Vâng, Tháng 8 mùa Thu ấy, trong đoàn người khởi nghĩa giành chính quyền về cho nhân dân có anh - Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Tôi may mắn được chiến đấu dưới sự chỉ huy của anh An trong những năm đầu đánh Mỹ trên chiến trường bắc Tây Nguyên. Chỉ 4 năm sống gần anh thôi, nhưng anh đã để lại trong tâm hồn chúng tôi bao ấn tượng sâu sắc.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở tuổi 38, anh là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, một sư đoàn chủ lực hoàn chỉnh đầu tiên vào Nam chiến đấu. Đến Tây Nguyên, do khó khăn về bảo đảm và tình hình chiến lược có thay đổi, sư đoàn giải thể, hai trung đoàn xuống Khu 5, chỉ còn Trung đoàn 101 ở lại mặt trận B3, sư đoàn bộ sáp nhập với cơ quan mặt trận và anh về làm Phó tư lệnh. Trong buổi đầu đánh Mỹ, ở chiến trường Bắc Kon Tum thật là cực khổ. Theo chế độ, mỗi ngày, mỗi người được một lon sữa bò gạo gạt ngang, nhưng qua nhiều cấp phân phối, đến tiểu đoàn thì còn có 2/3 lon, và gạo đã mủn; khi nấu không dám vo, vo là gạo tan hết, sắn ăn độn nhiều hơn gạo. Một tháng một người được một lon sữa bò muối gạt ngang. Cậu cần vụ của tôi chia đếm tỉ mỉ, tính bình quân mỗi ngày, mỗi người được 21 hạt muối (muối Sa Hùynh hạt to). Thực phẩm bằng không. Cái cảnh đó phải chịu suốt năm 1964-1965. Trong điều kiện như vậy, anh hạ quyết tâm đánh Tu Mơ Rông - một chi khu lớn của Kon Tum. Theo tôi được biết, khi thảo luận phương án, anh Đoàn Khuê lúc đó là Chính ủy B3 lo rằng không đánh nổi, vì Trung đoàn Ba Gia nổi tiếng, đã ở chiến trường lâu, lúc đó còn chưa dám đánh công kiên một chi khu, Trung đoàn 101 mới vào chưa có kinh nghiệm nên cần phải suy nghĩ thật kỹ. Song anh An vẫn kiên trì giữ phương án đó và được Đảng ủy Mặt trận B3 chấp thuận. Kết quả không những diệt được Tu Mơ Rông mà còn diệt luôn cả chi khu Đắc Tô và chi khu Đắc Sút.
Chiến dịch Plây-me diễn ra hai đợt: Đợt 1, ta có hai Trung đoàn 33, 320 bao vây đồn Plây-me và đánh viện, làm thiệt hại nặng Chiến đoàn 51 ngụy trên đường 21. Đợt này do anh Nguyễn Chánh - Phó tư lệnh B3 làm chỉ huy trưởng, anh Nam Hà làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng. Đánh xong đợt 1 thì sư đoàn bộ binh Không vận số 1 của Mỹ mới vào tham gia. Ta chuyển sang đánh đợt hai. Lúc này, lực lượng ta được thêm Trung đoàn 66 ở miền Bắc vừa mới hành quân tới, đang vào vị trí tập kết, và đợt 2 này, Tư lệnh chiến dịch là anh Nguyễn Hữu An và Chính ủy là anh Đặng Vũ Hiệp. Cái khó khăn nhất ở đây là Trung đoàn 66 vừa chân ướt chân ráo tới, mới tập kết xong thì địch đổ quân bằng trực thăng ngay vào khu vực đứng chân. Trung đoàn trưởng và các cán bộ chủ chốt của cơ quan trung đoàn đang đi chuẩn bị chiến trường ở đường 21 , về không kịp. Anh An giao cho anh Lã Ngọc Châu (Chính ủy trung đoàn) trực tiếp tổ chức chỉ huy đánh tập kích ngay, không chờ cán bộ quân sự về. Anh động viên anh Châu cứ mạnh dạn làm, anh sẽ giúp. Sở chỉ huy chiến dịch áp sát ngay sau trung đoàn, chỉ đạo cụ thể luôn cả tình huống chiến thuật những khi cần. Trung đoàn 66 tập kích liền hai trận, tiêu diệt tiểu đoàn kị binh không vận số 1, tiểu đoàn thứ hai bị thiệt hại nặng phải rút chạy. Anh lệnh cho truy kích ngay, đồng thời lệnh cho Trung đoàn 33 đang trên đường về phải nhanh chóng phối hợp bao vây diệt quân Mỹ đang rút. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 do Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi chỉ huy và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33 do Tham mưu trưởng Tiểu đoàn Luận chỉ huy (thực chất mới kịp tham chiến có một đại đội) đã hình thành hợp vây trong một trận đánh tao ngộ nổi tiếng, diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ và đánh cho tiểu đoàn thứ 3 bị thiệt hại. Lúc đầu cơ quan tác chiến làm báo cáo nêu diệt gọn hai tiểu đoàn Mỹ. Ban chỉ huy Trung đoàn 66 cũng đồng ý với chúng tôi, nhưng khi anh An duyệt , anh bảo : " Tiểu đoàn thứ nhất rõ rồi, nhưng tiểu đoàn thứ hai ta chỉ nêu khiêm tốn đánh thiệt hại nặng thôi ".
Mùa mưa năm 1966, Trung đoàn 24 mới ở miền Bắc vào, anh trực tiếp đi chỉ đạo đánh lại căn cứ của địch ở chiến trường Bắc Công Tum. Kế hoạch là vây đồn Tu Mơ Rông (địch đã đóng lại khi Mỹ vào) để diệt viện và sẵn sàng đánh Mỹ vì có tin Lữ đoàn dù 173 Mỹ sẽ tham chiến. Vây đồn Tu Mơ Rông được mấy ngày thì Trung đoàn 44 chủ lực ngụy lên tiếp viện, nhưng cứ thập thò không vào sâu trận địa phục kích của ta. Ý kiến của Thường vụ Đảng ủy tiền phương và cơ quan tham mưu là cứ kiên trì diệt một bộ phận Trung đoàn 44 cho chắc ăn, rồi sẽ quay lại đối phó với Mỹ. Riêng anh An, sau một đêm suy nghĩ, đã quyết tất cả lực lượng vây đồn và diệt viện đều rút về bố trí ở khu vực tập kết cách trận địa khá xa. Mọi người tin anh, chấp hành, song vẫn thắc mắc, nếu địch không vào thì sao, đánh hết gạo về tay trắng ư? Nhưng khi bộ đội vừa bố trí xong, thì Mỹ cho trực thăng ào ạt đổ quân xuống. Chúng chắc mẩm chủ lực ta đang bị hút vào mục tiêu quân ngụy, ở đây toàn là lực lượng hậu cần, nếu bóc hết chỗ này thì quân ta hết gạo, đạn, không đánh cũng tan và sẽ quay lại diệt chủ lực ta sau. Do vậy, khác với Ia-đrăng, chúng không đổ thẳng quân vào đội hình quân ta để tìm diệt ngay từ đầu. Nhưng chúng đã nhầm, rơi vào ổ kiến lửa, bị tiêu diệt rất nặng, tình cảnh cũng như ở Ia-đrăng. Quyết định rút bỏ không đánh ngụy, về đánh Mỹ là vô cùng chính xác, nếu không tình thế chưa biết khó khăn như thế nào! Về sau, tôi có hỏi anh về quyết định đó, tại sao anh đoán địch đúng thế? Hay là có tin tình báo của cấp trên gửi cho riêng anh ? Anh tâm sự với tôi thực lòng, thoải mái: "Vì tớ đoán Mỹ thua ta ở Ia-đrăng (Plâyme), chúng sẽ thay đổi cách đánh. Ở Bắc Công Tum này, nó mà quét sạch gạo trước rồi đánh chủ lực ta sau thì ta thua là cái chắc. Vì dự đoán thế, nên mới quyết định vậy, chứ có tin tức gì hơn đâu". Ôi, trí tuệ người chỉ huy quan trọng vô cùng với vận mệnh của bộ đội dưới quyền! Sau đó anh lại nói với tôi :
- Người xưa có nói : " Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng ". “Biết người”, “biết ta” gắn bó hữu cơ với nhau , song biết ta, đánh giá ta cho đúng cũng khó lắm đấy. Đánh giá ta thấp thì hèn , không dám làm, đánh giá ta cao thì chủ quan thất bại. Vì vậy luôn phải suy nghĩ. Ta là ai? Ta đang ở đâu? Khả năng ta đến đâu?. Từ đó mới căn cứ vào đối phương mà xác định mục tiêu có thể làm, nghĩ các kế hoạch và biện pháp sáng tạo, có hiệu quả”.
Thế đấy, anh không chỉ là người Tướng dày dạn kinh nghiệm, mà còn là một vị Tướng có trí tuệ uyên bác, sâu sắc. Tôi lại hỏi anh : - Vừa rồi cấp trên thúc đánh để phối hợp chiến trường, toàn bộ Thường vụ quyết định diệt một bộ phận Trung đoàn 44 ngụy, toàn bộ cơ quan tham mưu nhất trí đánh, riêng anh thì rút bỏ để đánh Mỹ. Song nếu sai là "xôi hỏng, bỏng không", tội không nhỏ, anh không sợ à ?
Anh trả lời: Làm quân nhân ai lại không sợ lệnh trên. “Quân lệnh như sơn” mà, song cậu đừng quên, tướng ngoài biên ải có quyền hành động. Nhưng nói thật tớ sợ nhất là nước mắt của những bà mẹ mất con. Cậu có 2 con trai và tớ cũng có 2 con trai. Khi chúng lớn lên mà chúng mình chưa xong nhiệm vụ , chúng nó phải ra trận, lúc đó mà lại trao cho những thằng chỉ huy háo danh, dốt, nướng quân thì đau xót lắm. Các thứ đều có thể sửa được, nhưng nước mắt của những bà mẹ mất con là sợ nhất.
Ôi ! Đó chính là anh An. Tâm sự với một cấp dưới bình thường như tôi giữa rừng đại ngàn, đây là những lời nói thật lòng nhất. Anh là Thượng tướng, một vị Tướng có năng khiếu quân sự, một Tướng dũng cảm, rất trí tuệ và một Tướng liêm chính, song trên tất cả đó là một "Nhân Tướng".
Thiếu tướng
Nguyễn Đồng Thoại
Phúc Ấm lược ghi