SEA Games năm nay được tổ chức ở hai thành phố Jakarta và Palembang, từ ngày 11/11 đến 22/11. Đây là lần thứ tư Indonesia đứng ra đăng cai SEA Games. Lần gân đây nhất là năm 1997.
Khoảng 2 tuần sau khi kết thúc SEA Games sẽ diễn ra ASEAN ParaGames dành cho các vận động viên khuyết tật. Giải lần thứ 6 được tổ chức ở Surakarta, Trung Java.
Jakarta trước đây từng là nơi diễn ra ba kỳ SEA Games vào các năm 1979, 1987 và 1997. Trong khi đó Palembang là thành phố thứ ba trong lịch sử không phải thủ đô tổ chức SEA Games, sau Chiang Mai và Nakhon Ratchasima của Thái Lan.
Đứng đầu Cơ quan điều hành tổ chức SEA Games lần này - Inasoc - là Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Rita Subowo. Giám đốc điều hành Đại hội là Rahmat Gobel - một nhà tài phiệt người Indonesia và là Chủ tịch của Panasonic Gobel Indonesia.
Năm 2010, Indonesia đã rót 350 tỷ rupiah (khoảng 38,7 triệu đô-la) từ ngân sách nhà nước cho công tác chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực. Năm nay tiếp tục 2,1 nghìn tỷ rupiah (khoảng 230 triệu đô-la) nữa đã được sử dụng.
Palembang, thủ phủ của Nam Sumatra, sẽ là nơi tổ chức chính với tổng cộng 296 nội dung thi đấu, trong khi Jakarta được xem như thành phố đồng tổ chức với 266 nội dung còn lại. Palembang cũng là nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc.
Ban đầu chính phủ Indonesia đưa ra bốn lựa chọn địa điểm tổ chức gồm Jakarta, Tây Java, Trung Java, và Nam Sumatra. Tuy nhiên, ý tưởng sau đó bị gạt bỏ. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cho rằng nên tổ chức ở hai địa phương để vừa giảm chi phí và giúp công tác tổ chức thuận tiện hơn.
Khu vực sinh hoạt dành cho các đoàn vận động viên mang tên Jakabaring ở Palembang, có diện tích khoảng 45.000 mét vuông. Nó nằm phía trước sân vận động Jakabaring (Gelora Sriwijaya).
Để phục vụ cho SEA Games, cả hai thành phố tổ chức đã có những thay đổi mạnh mẽ. Chính quyền Palembang đã mở rộng gấp đôi sân bay Sultan Mahmud Badaruddin II. Hiện tại sân bay chỉ có bảy đường bay và phục vụ các chuyến của ba nước thuộc Đông Nam Á khác là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Inasoc đang nâng số lượng chuyến bay, đặc biệt là tuyến Jakarta - Palembang và Singapore - Palembang.
Phòng Giao thông, Truyền thông và Thông tin Nam Sumatran cam kết sẽ nâng tổ số xe buýt lên 40 chiếc, 100 chiếc loại midibus, 300 minibus và 100 xe máy cho các vận động viên, quan chức và phóng viên.
Jakarta đang sử dụng sân bay quốc tế Soekarno–Hatta và có một hệ thống giao thông đã khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chính quyền thủ đô vẫn đang mở thêm nhiều tuyến đường.
Trong quá trình diễn ra SEA Games, nhiều tuyến đường vào nội đô sẽ bị cấm từ 5h đến 22h.
Logo chính thức là Garuda, cũng là biểu tượng quốc gia của Indonesia. Trong đó, phần cơ thể của Garuda đại diện cho sức mạnh, còn những đôi cánh biểu hiện cho vinh quang và sự tráng lệ.
Màu xanh phía trên biểu trưng cho đảo, rừng và núi - là địa hình đặc trưng của đất nước này. Màu xanh bên dưới là biển Nusantara rộng lớn. Trong khi đó, phần màu đỏ thể hiện cho lòng can đảm, nhiệt thành và niềm đam mê cháy bỏng cống hiến cho tổ quốc.
Linh vật chính thức là Modo và Modi, một cặp rồng đất Komodo. Modo - rồng đực - mặc áo xanh và váy batik truyền thống. Modi - rồng cái - mặc áo kebaya đỏ và váy batik.
Komodo là loại rồng đất đặc trưng của Indonesia, sống ở các đảo Rinca và Padar, Đông Nusa Tenggara.
Modo là tên gọi tắt của Komodo, trong khi "Modo-Modi" là phiên âm của từ Muda-Mudi nghĩa là "tuổi trẻ" trong tiếng Indonesia (pemuda - nam thanh viên và pemudi - nữ thanh niên).
Trước đây, chính quyền Palembang định chọn voi Sumatran làm linh vật của đại hội lần này, trong khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và Ủy ban Thể thao quốc gia muốn sử dụng chim ưng Rajawali. Tuy nhiên, cả hai phương án sau đó đều bị loại bỏ để sử dụng rồng Komodo.
Việc chọn rồng Komodo làm biểu tượng cho SEA Games còn là cách để "quốc gia vạn đảo" tuyên truyền và kêu gọi sự ủng hộ trong việc công nhận Komodo National Park trở thành một trong 7 kỳ quan thế giới.
Quỳnh Anh (TH)