Không phải khoán trong nông nghiệp, mà là chuyện thi vào đại học. Nhanh đổi mới quá. Hiệu quả như “Khoán 10 trong nông nghiệp”.
Năm ngoái, hay năm kia “ngưỡng cửa” trường đại học còn cao vời vợi… Chuyện một thí sinh thi đỗ vào trường đại học như một sự kiện hiếm hoi của một gia đình, thậm chí một dòng họ. Có trường “chọi” 1/100…
Cũng vì thế mà các trường đại học “kiêu” đến mức nhầm tưởng trường là nơi duy nhất chắp cánh tương lai cho con trẻ; thành thử đẻ ra khối bệnh trì trệ, quan liêu, thậm chí tiêu cực, “mua bằng bán cấp”, góp thêm xói mòn đạo đức xã hội…
Năm nay ngược lại, các trường “đốt đuốc” đi tìm sinh viên ngay từ khi các em học sinh phổ thông còn đang học lớp cuối cấp. Nhiều trường, kể cả “tốp trên” tìm sinh viên qua học bạ, báo giấy trúng tuyển trước cả khi học sinh chưa có kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (!).
“Sợ” bỏ, thậm chí có trường còn yêu cầu các em ứng đóng học phí kỳ I và ra điều kiện nếu không học, nhà trường chỉ trả lại học phí đối tượng thi không đỗ Trung học phổ thông, làm “Bộ” phải cảnh báo: Thế là sai với quy chế tuyển sinh…
Vì sao bây giờ tuyển sinh có chuyện ngược so với trước thế? Cũng là thay đổi chính sách thôi - “cắt bao cấp”, các trường phải tự chủ. Tự chủ mà không tuyển sinh đủ học sinh, đồng nghĩa với giảm nguồn thu.
Sao nói đây mới là một nửa “khoán 10”? Vì hạt thóc làm ra cơ bản chất lượng giống nhau. Khác với đào tạo sinh viên, thậm chí chất lượng có thể ngược lại so với trước đây.
Báo động trước để công tác tuyển dụng sinh viên ra trường sau này phải chặt chẽ, đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là tuyển viên chức, công chức, cứ thấy “bằng sáng choang” mà nhận vào làm việc thì chưa hẳn đã giỏi cả!
Để không muộn, ngay bây giờ công tác tổ chức, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải xây dựng những quy chế tuyển chọn phù hợp may ra mới có sinh viên làm được việc.
Kinh nghiệm, cứ có chính sách đúng là tuyển chọn đúng.
Huy Thiêm