Đội ngũ của nhiều người có công với nước
Ngôi nhà chung Hiệp hội là nơi quy tụ các doanh nhân CCB khắp mọi miền đất nước. Phần đông họ đã qua lửa khói chiến tranh, có người lập thành tích đặc biệt xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Có những người đã đổ máu ngoài mặt trận hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường; là những thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Nhiều người là con liệt sĩ, con gia đình có công với cách mạng. Hơn 100 ủy viên BCH Hiệp hội thì 30 người là thương binh, bệnh binh; 3 người là con liệt sĩ. Chủ tịch Hiệp hội là Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, con liệt sĩ thời chống giặc Pháp.
Điều cảm phục là hầu hết họ đã quá tuổi lao động. Lẽ ra là CCB, là những người có công, họ có quyền an nhàn, hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước và bảo hiểm xã hội. Nhưng diệu kỳ thay, các doanh nhân CCB vẫn ra quân rầm rộ, sôi nổi, tiên phong tiến bước vững chắc trên thương trường. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các doanh nhân CCB không ngại khó khăn, nguy hiểm, lao động sáng tạo, làm giàu chính đáng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của địa phương và cả nước. Họ tích cực trên mặt trận xóa đói nghèo; cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nhau về giống, vốn, công nghệ, thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Nhiều người, nhiều doanh nghiệp do CCB làm chủ đã được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là các CCB Lê Văn Kiểm, Lê Hồng Quang, Nguyễn Đình Trường, Lê Văn Kháng...
** Hiệu quả cao trong sản xuất - kinh doanh**
Hơn 4 năm qua, trong khi cả nước có hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, thua lỗ, phá sản thì các thành viên của Hiệp hội vẫn duy trì sự ổn định và tiến bước vững chắc, sau mỗi năm đều phát triển cao hơn.
Hai năm đầu (2013, 2014), số lượng hội viên tổ chức tại các tỉnh, thành phố chỉ hơn 20 đơn vị, mỗi năm tổng doanh thu hơn 40.000 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho hàng vạn lao động. Từ năm 2015 đến nay, số lượng hội viên tổ chức tại các tỉnh, thành phố gần 30 đơn vị, mỗi năm tổng doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng. Các Hội Doanh nhân CCB (hoặc CLB doanh nhân) tại các tỉnh, thành phố đều đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu phù hợp.
Có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp làm rạng danh Hiệp hội về sản xuất kinh doanh và làm từ thiện xã hội. Từ Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Chủ tịch Hiệp hội, đến các Phó chủ tịch Hiệp hội: Lê Hồng Quang, Phan Văn Quý, Đào Hồng Tuyển, Lê Quốc Phong, Nguyễn Đình Trường, Vũ Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Bảo Hiền, Nguyễn Trần Đoàn, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Đức Lạc vẫn nêu cao vai trò vị thế của mình ở các vùng miền. Doanh nghiệp của các Ủy viên Thường vụ: Hà Văn Hải, Đậu Văn Hóa, Trịnh Xuân Lâm, Lê Đức Toàn, Nguyễn Xuân Thùy, Lê Ngọc Hà, Trần Mạnh Báo, Đoàn Minh Chiến, Nguyễn Thủ Thường, Bùi Xuân Tờ, Phạm Ngọc Thanh, Hoàng Mạnh Cường, Bùi Văn Thọ, Dương Thị Nhã, Nguyễn Thanh Sơn, Ngô Văn Lực, Ngô Công Đoan… đều có uy tín cao trên thương trường, phát triển mạnh về mọi mặt.
Giàu lòng nhân ái, sâu nặng nghĩa tình
Đồng thời với sản xuất, kinh doanh giỏi các Doanh nhân CCB còn thi đua nhau làm việc thiện, mà đi đầu là tấm gương của gia đình Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm. Công ty của ông, rồi doanh nghiệp của vợ, của con trai, của con gái, số tiến làm từ thiện, nghĩa tình, trong nước và nước ngoài nhiều năm qua tính đến nay đã lên tới hơn 700 tỷ đồng luôn là niềm tự hào và khích lệ toàn Hiệp hội.
Theo đăng ký bước đầu, trong chương trình truyền hình trực tiếp đêm 8-7-2017, gia đình CCB Lê Văn Kiểm sẽ lại tiếp tục tặng 45 tỷ đồng từ thiện, nghĩa tình. Còn doanh nghiệp của các doanh nhân CCB Lê Quốc Phong, Vũ Ngọc Thuần, Phan Văn Quý, Hà Văn Hải, Nguyễn Thị Bảo Hiền, Lê Đức Toàn và Hội Doanh nhân CCB các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa… đều hỗ trợ lớn cho các quỹ tình nghĩa, nâng tổng số tiền từ thiện đêm Giao lưu nghệ thuật lên hơn 100 tỷ đồng.
Đào Văn Sử