Ông Đoàn vốn là một cán bộ cấp cao của tỉnh. Năm ông vừa tròn sáu mươi tuổi, Nhà nước cho ông nghỉ hưu theo chế độ. Nhà ông ẩn sâu trong xóm nho,; có ba gian nhà cấp bốn sạch sẽ. Khi ông đương chức, cũng không ít ngươiø muốn làm thủ tục xin cấp đất cho ông ở mặt đường lớn, mỗi mảnh đất ấy bây giờ người ta bán có đến bạc tỷ. Ấy vậy mà ông từ chối. Mảnh đất ông đang ở là mảnh đất hoang ven chân đồi, chẳng ai người ta nhòm ngó tới. Vợ chồng ông nai lưng ra san đồi, lấp ao để xây lên ngôi nhà cấp bốn. Bà vợ ông không may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm, ông tần tảo nuôi hai người con gái khôn lớn. Các cô đến nay đã phương trưởng, ai cũng có gia đình riêng, mỗ người ở một nơi. Ngày lễ tết, các cô mới cùng chồng, con kéo về thăm ông đôi ba ngày rồi lại đi, để lại một mình ông với căn nhà trống vắng, đầy ắp cây xanh. Căn phòng làm việc của ông luôn luôn sáng đèn, ông hay thức khuya để viết những điều gì mà ông tâm đắc. Trên bàn làm việc luôn có lọ hoa huệ tươi, mà hằng ngày ông tự tay cắm vào bình, tỏa hương thơm ngào ngạt. Thỉnh thoảng vẫn có những chiếc xe con bóng lộn, đắt tiền đến nhà. Họ định đón ông đi nghỉ mát, đi tham quan đây đó, nhưng ông đều từ chối.

Vào đầu tháng bảy năm Nhâm Ngọ, ông Đoàn nhận được giấy báo lĩnh bưu phẩm. Ông không biết của ai gửi cho ông. Họ hàng, anh em ông chẳng còn ai. Nghĩ vậy, nhưng ông vẫn đạp xe đạp ra ngoài bưu điện thành phố để nhận bưu phẩm. Cô nhân viên trẻ măng hỏi ông:

  • Bác có biết ai gửi gói bưu phẩm này cho bác không ạ?

  • Bác không biết cháu ạ; bác đã nghỉ hưu rồi, có lẽ quà của mấy ông bạn hưu ở Hà Nội gửi cho bác thì phải!

  • Dạ ! Thế bác có quen ai ở An Hòa không?

  • À! Nơi ấy bác đóng quân cách đây trên 30 năm rồi, nhưng cũng không biết ai gửi.

  • Thôi được, cháu cứ phát cho bác, nếu có nhầm lẫn cháu sẽ gặp bác sau.

Cô nhân viên bưu điện làm thủ tục và đưa cho ông một gói nhỏ bọc rất kỹ. Ông đọc nhanh tên người gửi: Nông Thị Sung, bản Cái, xã An Hòa, huyện V.N tỉnh T.N. Ông vội vàng đạp xe một mạch về nhà. Ông dựng vội chiếc xe ngoài hiên, tay run run mở khóa cửa. Vào nhà ông vội mở toang các cánh cửa cho ánh sáng tràn vào. Ông tìm chiếc kéo, cắt dây mở gói quà. Trước mắt ông là một chai rượu nếp cẩm và một chai mật ong rừng vàng óng ánh, kèm theo là một lá thư. Ông cầm vội lá thư, lập cập tìm chiếc kính lão. Mở thư ra ông thấy các dòng chữ như đang nhảy múa trước mắt:

  • Anh Đoàn! Chắc anh không ngờ lại nhận được lá thư này phải không? Hơn ba mươi năm rồi còn gì. Cô bé Sung ở bản Cái ấy chắc cũng phai mờ trong tâm trí của anh rồi phải không? Nhân đọc tạp chí chuyên ngành, tình cờ em thấy tên anh dưới bài viết. Em ngỡ ngàng vì cái tin anh hy sinh đã đến với em cách đây trên ba mươi năm rồi còn gì. Thế là em mừng quá, mạnh dạn gửi thư và quà cho anh. Món quà mà ngày xưa anh rất thích. Chúc anh chị và các cháu mạnh khoẻ, hạnh phúc!

Đọc xong lá thư, mồ hôi trán ông Đoàn toát ra trên khuôn mặt nóng bừng. Thế rồi những kỷ niệm của hơn ba mươi năm về trước hiện về trước mắt ông…

Anh nhập ngũ năm 1965, khi ấy mới tròn hai mươi lăm tuổi và vừa tốt nghiệp đại học. Đơn vị Đoàn đóng quân ở bản Cái, xa lắc xa lơ để rèn luyện trước lúc đi B. Cũng như các đồng đội khác, Đoàn và bà con bản Cái trở nên thân quen như người nhà. Cả bản coi các anh bộ đội như những đứa con của mình. Đặc biệt là các cô gái, họ dễ làm quen và thân thiện với các anh. Đoàn làm quen được với Sung, một cô gái rất trẻ. Thế rồi tình yêu đã đến với họ cũng như bao lứa đôi khác. Nhưng chưa kịp làm đám cưới thì Đoàn nhận lệnh khẩn cấp lên đường vào chiến trường. Lời thề hẹn ấy Đoàn mang trong lòng. Không ngờ trong một trận đánh ác liệt ở mặt trận Quảng Đà, Đoàn bị lạc mất đơn vị. Thế là đằng đẵng, hơn chục năm trời không một lá thư, không một lời nhắn gửi về bản Cái, nơi đấy hằng ngày Sung ngóng đợi tin Đoàn. Sau chiến thắng năm 1975, Đoàn mới trở về bản Cái. Khi đến đầu bản, ghé vào một quán nước, Đoàn hỏi thăm Sung. Người ta cho biết Sung đã lấy chồng và theo chồng về quê. Nghe vậy, Đoàn choáng váng, xốc mạnh chiếc ba lô, quay về trường cũ để nhận giấy tờ công tác và cho đến tận hôm nay. Từ đấy Đoàn không nhận được tin gì về Sung. Mãi đến hôm nay món quà đến tay là một điều bất ngờ lớn đối với ông.

Ăn tết xong, ông Đoàn quyết định trở lại bản Cái. Ông gửi nhà cho ông bạn hàng xóm rồi một mình ra ga ngược tàu. Lần mò mãi ông cũng tìm ra được địa chỉ mà bà Sung đã ghi cho ông ở lá thư. Ông dừng chân trước một căn nhà đồ sộ năm tầng cao ngất, trên ban công có một giàn hoa giấy trắng, với những chùm hoa dày đặc. Ông chần chừ, ngần ngại. Nhưng rồi trong lòng trỗi dậy một nỗi niềm khó ta, ông mạnh dạn bấm chuông. Nghe tiếng chuông reo, có một người con gái còn trẻ ra mở cổng. Ông Đoàn cất tiếng hỏi:

  • Chào cô ạ! Xin lỗi cho tôi hỏi, đây có phải là nhà bà Sung không ạ?

  • Cháu chào ông! Đây là nhà bà Sung. Cháu mời ông vào trong nhà.

Ông đi theo người con gái vào phòng khách. Căn phòng quá rộng, bày la liệt các đồ vật, tranh ảnh đắt tiền. Tiếng máy lạnh chạy ro ro làm ông Đoàn càng thêm hồi hộp. Ông đang mải ngắm các đồ vật, các bức tranh thì cánh cửa bật mở, một người đàn bà đã luống tuổi nhưng vẫn trẻ trung, sắc đẹp vẫn còn ngời ngời trên khuôn mặt thanh tú. Ông ngập ngừng, thì người đàn bà đã lên tiếng:

  • Em chào anh Đoàn, anh vẫn khoẻ đấy chứ? Anh có nhận ra em không?

Ông bần thần rồi bất chợt reo lên:

  • Bà Sung! À… em, em có khoẻ không? Làm sao anh quên được em cơ chứ! Thật không ngờ, anh cứ tưởng chuyện như trong mơ.

  • Em khoẻ, chắc anh đi đường còn mệt phải không? Anh uống nước đi và nói cho em biết bấy nhiêu năm anh làm gì, ở đâu mà biệt tăm vậy? Chị và các cháu thế nào?

Ông Đoàn nghèn nghẹn:

  • Anh bị lạc đơn vị. Họ không tìm thấy anh nên đã đưa giấy báo tử về quê. Sau ngày giải phóng, anh có về bản Cái tìm em và được tin em đã đi lấy chồng. Thế là anh trở lại trường lấy giấy tờ và về Thái Nguyên công tác cho đến khi về hưu. Bà ấy nhà anh đã mất cách đây trên chục năm, các cháu xây dựng gia đình và đã ở riêng cả, nay anh sống một mình.

Nói xong ông Đoàn hỏi:

  • Thế còn em, các con và chồng em đâu?

  • Sau khi anh vào Nam, mãi vài năm bặt tin tức, em có về tận quê anh, thì nhận được tin anh đã hy sinh. Thế là em lấy chồng, nhà em đưa em về quê chồng. Anh ấy đã mất cách đây bảy năm do vết thương quá nặng ngày ở chiến trường miền Nam. Hai con em lớn cả rồi, hiện nay chúng đang làm việc ở nước ngoài cả. Chỉ còn lại một mình em với ngôi nhà này.

Sau lần gặp gỡ ấy,nửa năm sau người ta thấy bà Sung đóng cửa ngôi nhà lớn ở bản Cái. Bà về Thái Nguyên cùng sống với ông Đoàn. Đôi bạn già ấy cứ mỗi sáng hằng ngày vẫn đi dạo quanh xóm. Nhìn ông bà, trên gương mặt của họ sáng lên niềm hạnh phúc của tuổi già.

N.A.Đ