"Sau khi mẹ nuôi cho tôi biết sự thật tôi là con đẻ của một người phụ nữ khác, tôi đã rất sốc và thầm trách giận mẹ đẻ của mình. Tại sao lại như vậy? Cho đến khi tôi trưởng thành, được gặp lại người đã mang nặng đẻ đau ra mình, tôi mới hiểu ra rằng, mẹ đã chịu quá nhiều hi sinh, mất mát. Cuộc đời và tình yêu của mẹ gắn liền với những năm tháng hoạt động biệt động thành, với bom đạn, chiến tranh, nhà tù và những trận đòn tra tấn tàn khốc của địch. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ trong giai đoạn ấy là đã sinh ra tôi. Nhưng chiến tranh đã cướp mất của mẹ thiên chức của một người phụ nữ. Ngay cả sau ngày đất nước thống nhất và đến tận bây giờ, mẹ tôi vẫn sống với những kí ức chiến tranh…”. Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (ảnh), Trưởng khoa Báo chí truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Hồ Chí Minh, kể về mẹ của mình bằng những lời xúc động như vậy.
Câu chuyện tình bi tráng và cảm động ấy bắt đầu từ những năm giữa thập niên sáu mươi, thế kỷ hai mươi. Chồng đi hoạt động và hi sinh, chị Tám Hoài nén đau thương mất mát, bám trụ nội thành làm liên lạc. Một trong những đầu mối quan trọng mà Tám Hoài thường xuyên qua lại tiếp nhận, vận chuyển công văn, tài liệu là đồng chí Phạm Khương, bí thư chi bộ Đảng phường Hòa Cường. Từ tình đồng chí, đồng đội, giữa hai người nảy sinh tình cảm riêng tư. Họ yêu nhau. Tám Hoài đi bước nữa. Đầu năm 1967, chị mang thai. Phạm Khương bí mật đưa vợ về quê ở Nha Trang lo việc sinh nở. Gia đình anh cũng là một cơ sở của cách mạng. Cha anh là cán bộ kháng chiến, từng bị địch bắt đày ra Côn Đảo, sau đó được trả tự do. Tám Hoài về Nha Trang chưa kịp ở cữ thì nguy cơ bị bại lộ. Gia đình phải gửi con dâu vào cô nhi viện, nhờ vợ chồng ông Huỳnh Lô, bà Nguyễn Thị Cam chăm sóc. Tám Hoài sinh ra một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Vòng tay người mẹ trẻ ôm ấp, nâng niu con chưa được bao lâu thì chị phải gác hạnh phúc riêng tư, tiếp tục trở lại với nhiệm vụ. Ngày chia tay, bà Cam nói với Tám Hoài.
- Cô cứ yên tâm lên đường lo nhiệm vụ cách mạng. Vợ chồng chúng tôi chỉ có một đứa con gái, giờ đây cũng không có khả năng sinh nở nữa. Chúng tôi sẽ nuôi nấng, chăm sóc cháu như con của mình.
Thế là cháu bé được ông bà Huỳnh Lô đón về nuôi nấng và đặt tên là Huỳnh Văn Thông. Tám Hoài trở lại Đà Nẵng. Tình thế cách mạng ngày càng gay go, quyết liệt. Địch tổ chức truy lùng, tiêu diệt các cơ sở. Phạm Khương trở thành mục tiêu của chúng. Đầu năm 1969, anh bị mật thám chỉ điểm khi đang ẩn náu dưới một căn hầm. Địch bao vây, khui hầm, kéo anh lên bắn chết tại chỗ. Tám Hoài được tổ chức bí mật điều lên Lâm Đồng, làm giao liên, binh vận tuyến Đà Lạt - Đức Trọng. Năm 1972, trong một lần tiếp xúc với cơ sở để tiếp nhận thông tin thì chị bị lộ. Tám Hoài đã mưu trí phi tang tài liệu trước khi sa vào tay giặc. Địch giam giữ chị ở nhà tù Đà Lạt. Bị dụ dỗ, mua chuộc rồi tra tấn cực hình, tàn khốc, nhưng Tám Hoài không để lộ bất cứ thông tin gì. Chị bị biệt giam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Huỳnh Văn Thông lớn lên trong tình thương yêu, chăm sóc của ông bà Huỳnh Lô, Nguyễn Thị Cam. Năm 1973, ông Lô qua đời, bà Cam một mình tần tảo nuôi nấng đứa con nuôi. Sau ngày đất nước thống nhất, bà Tám Hoài về Nha Trang tìm con. Nhìn con trai 8 tuổi khôi ngô, ngoan ngoãn trong vòng tay của người mẹ nuôi, bà Tám Hoài rất cảm động. Bà Cam bàn với bà Tám Hoài, hãy cứ để cho con được sống hồn nhiên như vậy, đến thời điểm thích hợp sẽ nói cho con biết sự thật, không nên làm xáo trộn đời sống nội tâm của con lúc này, không có lợi.
Trở về từ chiến tranh, bà Tám Hoài được nhà nước bố trí làm việc trong ngành thương nghiệp Đà Nẵng và được cấp một căn hộ ở khu gia đình quân nhân gần sân bay Đà Nẵng. Những năm tháng trong tù bị tra tấn thập tử nhất sinh khiến bà Tám Hoài bị mắc nhiều chứng bệnh, sức khỏe yếu, không còn thiên chức làm vợ, làm mẹ đúng nghĩa. Trở về cuộc sống đời thường, bà vẫn luôn bị ám ảnh bởi chiến tranh …
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông kể tiếp: “Đến tuổi trưởng thành, tôi lờ mờ nhận ra có một uẩn khúc gì đó trong cuộc đời mình. Cho đến năm tôi học lớp 11 thì mẹ nuôi tôi mới tiết lộ sự thật và cho biết, mẹ đẻ tôi đang sống ở Đà Nẵng. Năm 1985, khi tôi trở thành sinh viên của Trường đại học Đà Lạt thì cũng là lúc mẹ nuôi tôi qua đời vì bệnh ung thư. Tôi giận mẹ đẻ đã bỏ tôi suốt bao nhiêu năm, nhưng đến ngày tôi gặp lại mẹ, tôi mới hiểu tất cả, tôi thương mẹ vô cùng… Đó là một ngày đầu năm 1991, lúc này tôi đã tốt nghiệp ra trường và được giữ lại công tác tại Đại học Đà Lạt.
Tôi cố gắng thuyết phục mẹ ở lại Đà Lạt với tôi, tôi sẽ chăm sóc, bù đắp những mất mát, hi sinh của mẹ, nhưng tôi đã không thể làm cho mẹ vơi đi ký ức chiến tranh.
Mới đây, vợ chồng tôi làm nhà, đón mẹ vào. Cả hai vợ chồng lại tiếp tục động viên, thuyết phục mẹ ở lại nhưng mẹ chỉ bảo: "Mẹ sống vậy quen rồi. Hãy để mẹ về với đồng đội của mẹ". Tôi hiểu, với mẹ, chiến tranh như vẫn còn đang ở trước mặt. Hằng đêm mẹ như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cấp trên giao nhiệm vụ. Mẹ trở lại Đà Nẵng, sống quây quần cùng những đồng đội một thuở. Nhớ lại chuyện gì, mẹ lại cắm cúi viết, kể lại những câu chuyện trong chiến tranh. Tôi biết, mẹ đã và đang có một đời sống nội tâm khác chi phối. Cách tốt nhất là để mẹ được bình yên với những ký ức ấy. Sự can thiệp theo ý muốn chủ quan của mình cùng với cuộc sống đô thị sẽ không phù hợp với mẹ, sẽ làm cho mẹ khó sống hơn. Vợ chồng tôi và các cháu sẽ dành thời gian về thăm mẹ nhiều hơn!...
THANH KIM TÙNG