Ký của Phạm Xuân Lục
Ông bà ngoại tôi có ba người con, mẹ tôi và hai cậu, người nằm ở nghĩa trang liệt sĩ là cậu Lê Kiện. Cậu tôi bị thương vào một đêm hè, trăng sáng vằng vặc, đồng lúa trước làng đang chín rộ. Hồi đó, quê tôi ở vùng địch tạm chiếm, bố tôi đi bộ đội, ở nhà mẹ tôi một mình phải nuôi hai con và nuôi hai bà mẹ, đó là bà nội và bà ngoại của tôi. Hồi đó cậu tôi là cán bộ ủy ban xã Võ Ninh, phụ trách công tác tuyên truyền. Đêm đêm cậu tôi cùng vài anh bộ đội về tiếp cận sát đồn địch để tuyên truyền địch vận, làm tan rã hàng ngũ địch. Mỗi lần nghe tiếng loa của cậu tôi vang lên là tiếng súng của địch từ đồn Võ Xá bắn như mưa vào màn đêm. Mẹ tôi nằm không yên, bà thở dài, hết đứng lại nằm cho đến khi im tiếng loa, tiếng súng. Mẹ tôi ra cửa dõi theo một hồi thấy yên ắng mới vào nằm. Tôi tuy còn nhỏ nhưng sớm biết nỗi trăn trở của mẹ nên cũng thổn thức thương mẹ, thương cậu tôi.
Cuộc kháng chiến của ta bước sang giai đoạn tổng phản công; khắp chiến trường Bắc – Trung – Nam đều đồng loạt nổ súng; những trận đánh công đồn thường xuyên diễn ra làm phân tán lực lượng địch để quân ta chuẩn bị cho chiến dịch lớn – chiến dịch Điện Biên Phủ - kết thúc chiến tranh. Võ Ninh quê tôi là một trọng điểm địch tăng cường lực lượng cho đồn Võ Xá nhằm án ngữ con đường tiếp tế của hậu phương lên chiến khu, đồng thời, bảo vệ tuyến quốc lộ 1 có cầu Quán Hàu cho việc hành quân của địch từ Đồng Hới lên và từ Mỹ Trung về.
Đêm ấy, đêm định mệnh. Gió Lào thổi từng cơn; cũng như mọi đêm, mẹ tôi nằm không ngủ. Nghe qua tiếng thở dài, tôi biết mẹ tôi trăn trở lo lắng. Từ phía nhà thờ gần đồn Võ Xá, tiếng loa của cậu tôi lại vang lên. Tôi còn nhỏ không nhớ cậu tôi nói gì, chỉ nghe mẹ tôi nói cậu tôi làm công tác địch vận. Một loạt đạn bắn lên từ đồn Võ Xá, xé tan màn đêm; tiếng loa cậu tôi im bặt. Mẹ tôi ngồi dậy, nghẹn ngào thốt lên “nguy rồi”. Tôi theo mẹ ra đứng ở cửa ngóng chờ như mọi lần, tiếng chân người đi tới, mẹ tôi đấy cửa lao ra:
- Các chú ơi dừng lại cho tôi gặp em tôi đã.
Bước chân chạy gấp gấp, tiếng thở của cậu tôi nghe nhè nhẹ. Mẹ tôi lao tới, lúc các chú dừng lại trong tiếng nói yếu ớt, cậu tôi cầm tay mẹ tôi: “chị yên tâm về đi, em không sao đâu”.
Sáng hôm sau, bất chấp sự nguy hiểm, sự theo dõi của mật thám địch, mẹ tôi bí mật mang theo thuốc tây, đường sữa, tìm đường lên chiến khu để chăm sóc cậu tôi.
Một vết thương vào tay ai cũng tưởng nhẹ sẽ chóng lành, mẹ tôi yên tâm ra về. Một tuần sau khi mẹ tôi đang chuẩn bị thuốc và thức ăn để tiếp tế lên cho cậu tôi thì người giao liên đi vào đưa cho mẹ tôi một mảnh giấy nhỏ. Gương mặt mẹ tôi tái nhợt, đôi mắt đỏ hoe, hai hàng nước mắt trào ra; mẹ tôi nấc lên nghẹn ngào ôm chầm lấy bà ngoại tôi: “Mẹ ơi, em con mất rồi”. Tôi đứng lặng khóc theo mẹ và bà ngoại. Mẹ tôi lại lên chiến khu lo tang lễ cho cậu tôi. Cậu tôi hi sinh khi mới ngoài 20 tuổi, để lại mợ tôi còn trẻ và một cháu gái đầu lòng. Nhưng rồi ở chiến khu, điều kiện thiếu thốn, thuốc thang hiếm hoi, đứa cháu gái của cậu tôi lâm bệnh và mất. Mợ tôi là một phụ nữ giàu tình cảm, sống ân tình nhưng cũng rất kiên nghị nên đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục hoạt động, làm thay phần việc của cậu tôi đang bỏ dở.
Nhà bà ngoại tôi gần đồn địch nên không ở được, phải bỏ về ở cùng với mẹ tôi. Cậu tôi hi sinh, mẹ tôi lập bàn thờ trong nhà, ngày đêm hương khói. Làng tôi những năm ác liệt nhất có một số cán bộ không chịu được gian khổ hi sinh đã về đầu hàng giặc, trong đó có một tên là cán bộ đoàn thanh niên; hắn nắm rất chắc lai lịch người dân trong xã. Từ ngày làm mật thám cho giặc, hắn phá nát làng tôi; nhiều cán bộ bị chúng phục kích bắn chết; nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, bị bắt giam cầm ở trại giam Đồng Hới. Có người bị đẩy xa hơn ra tận Côn Đảo. Một hôm hắn đến nhà tôi với thái độ trâng tráo, hắn hỏi:
- Bàn thờ ai đây?
Mẹ tôi bình tĩnh đáp:
- Bàn thờ bên ngoại. - Mẹ tôi nén căm giận nói tiếp. - Đất mẹ tôi ở sát đồi, đêm ngày súng nổ, chết chóc tang thương, mẹ tôi lên đây ở, tôi phải lập bàn thờ để hương khói cho bên ngoại chứ.
Hắn cười rặc, đập tay xuống bàn thờ và nói:
- Chị tưởng tôi không biết sao. Nhưng thôi, em chị đã chết rồi, chị thờ là việc của chị; nhưng tôi cũng báo cho chị biết, nếu chị liên lạc với chiến khu thì chị không ở yên đâu.
Sau đó không lâu, một hôm tôi đang cõng em gái tôi đi chơi thì có một người đến báo mẹ tôi đã bị địch bắt; chúng đang chạy tiếp đến nhà bắt o tôi nữa. Tôi vừa chạy vừa khóc cho đến khi tiếng xe mất hút về phía đồn Võ Xá. Mẹ tôi bị địch giam ở nhà lao Đồng Hới; chúng dụ dỗ tra khảo nhưng mẹ tôi và o tôi đều im lặng, không có cớ để buộc tội mẹ và o tôi nên chúng phải thả về.
Bố tôi đi bộ đội biền biệt, cậu tôi hi sinh, một cậu út lại bị địch bắt, sức khỏe mẹ tôi sa sút; bà nội, bà ngoại đều tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn phải làm việc nhà đỡ đần cho mẹ tôi.
Cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm kết thúc thắng lợi, tôi cầm cờ đỏ sao vàng theo mẹ ra đường đón bộ đội về tiếp quản. Không khí thật sôi động, thật hồ hởi nhưng mẹ tôi thì thẫn thờ trong tâm trạng lo lắng cho bố tôi vì chưa có tin tức gì, mãi sau này bố tôi về, gia đình đoàn tụ và đứa em trai út của tôi ra đời.
Hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ, bố tôi lại biền biệt ra đi. Tôi cũng lên đường cầm súng, dành phần ưu tiên cho em gái tôi đi học ở Liên Xô. Tiếp đến, em trai út của tôi cũng vào lực lượng công an. Mẹ tôi ở nhà vừa chăm sóc hai bà mẹ cho đến khi các bà qua đời và tiếp đến mẹ tôi lại chăm sóc con dâu và cháu nội để chồng con yên tâm cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mẹ tôi một mình vừa lo toan đồng áng, vừa hương khói trong gia đình vừa chăm sóc giúp đỡ con dâu và cháu nội. Võ Ninh là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ trong những năm đánh Mỹ; phía bắc có phà Quán Hàu, phía tây có phà Trúc Ly, phía nam có cầu Dinh Thủy. Ngày ngày giặc Mỹ ném xuống đây hàng chục tấn bom đạn, nhà cửa bị đốt phá, cái còn lại được đem làm hầm để trú ẩn. Cả làng rời xa đường quốc lộ, bỏ lại thôn xóm trong cảnh hoang tàn, trú ngụ dưới chân đồi cát, dưới rừng chuối và rừng xi lau để ẩn náu. Quê tôi là nơi ra đời của câu ca: “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”. Quê tôi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Hồi đó, đơn vị của bố tôi cho xe về quê đón mẹ tôi đi sơ tán nhưng mẹ tôi từ chối: “Tôi già rồi không đi đâu cả, sống chết có bà con thôn xóm; hơn nữa, tôi đi ai giúp con cháu tôi để chúng yên tâm công tác và phục vụ chiến đấu”. Tấm lòng của người mẹ đã làm xúc động lòng người, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với bố tôi và tôi đang cầm súng chiến đấu; cũng như tình cảm thân thiết đối với bà con quê hương, vượt qua bom đạn để đến ngày chiến thắng. Mỗi lần đến nghĩa trang liệt sĩ tưởng niệm các anh, các chị, lòng tôi mãi mãi ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc, cho quê hương hồi sinh. Tôi thực sự may mắn đã trở về lành lặn như hôm nay. Tôi sẽ làm hết mình để không phụ công của các anh, các chị.
Khi tôi viết những dòng này, bố mẹ tôi đã về cõi vĩnh hằng. Lúc này, chắc hẳn bố mẹ tôi cũng đang cùng với cậu tôi đoàn tụ ở nơi chín suối. Tôi muốn gửi đến những người thân yêu nhất của tôi lời tri ân, đã phải chịu đựng bao đau thương vất vả để gia đình, anh em tôi và cháu tôi hôm nay được vui vầy, hạnh phúc, ấm êm…
P.X.L