Tùy bút của Bùi Sỹ Căn
Dải đất Việt Nam cong cong hình chữ S mà dãy Trường Sơn là cột xương sống chính. Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, nơi địa đầu Tổ quốc, sừng sững như bức tường thành rồi thụt xuống gặp dãy núi đá vôi Hòa Bình xếp nếp kéo xuống tận Ninh Bình để rồi bắt gặp Trường Sơn Bắc, chạy dọc theo biên giới Việt – Lào vào đến đèo Hải Vân để gặp Trường Sơn Nam, tạo nên dáng vẻ Việt Nam. Cột xương sống khổng lồ đó, màu xanh của cây rừng nhiệt đới kế tiếp nhau đời này qua đời khác, cứ xanh mãi màu xanh trùng trùng điệp điệp của núi rừng và được hòa quyện vào những bộ quân phục màu xanh của lính. Màu xanh giản dị, bền bỉ mang bao ý nghĩa tượng trưng: màu xanh hòa bình, màu của hy vọng sao mà yêu đến thế.
Không biết tự bao giờ, tôi đã yêu màu xanh áo lính và tôi cũng đã từng được khoác màu xanh ấy trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Lớp trẻ chúng tôi hồi ấy “xếp bút nghiên” lên đường tòng quân giết giặc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chào những ngôi trường ngói đỏ, chào những công trình, nơi quê nhà yêu dấu, lớp lớp đoàn quân đi cứu nước mà như đi hội, “Có những ngày vui sao cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre từng hồi tống giục”, “Chào những ngôi trường mái đỏ bình yên/ Lấp lánh cánh đồng tay liềm tay hái/ xuôi ngược công trường những bánh xe reo”… Tạm chia tay nhau, nụ hôn đầu đời còn ấm dưới tán cây nhú lộc, hương bưởi bâng khuâng hò hẹn nơi quê nhà. Nào ai muốn vậy. Những dòng máu cha ông còn nóng trong lòng đất thân thương. Trang sử Việt Nam đầm đìa máu đỏ với “Hịch Cần vương” mà “Ngựa đá chồn chân trước tam quan” và “Dòng máu Xô-viết Nghệ Tĩnh” với “Ngọn lửa Nam Kỳ, Bắc Sơn, Ba Tơ”, đang bập bùng cháy sáng, đã tiếp sức cho lớp trẻ chúng tôi “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Màu xanh áo lính hòa trộn trong màu xanh của cây rừng Trường Sơn hùng vĩ, “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó thì chưa biết mình”… Trường Sơn là thế dựa của con đường chiến lược Việt Nam. Chúng tôi đi, ba lô con cóc trên lưng với đôi dép cao su và cây súng trên vai. Trước khi đi, mẹ dặn: “Con đi chân cứng đá mềm”. Chúng tôi đi theo dấu chân của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng… để vượt Ngàn Sâu, Ngàn Phố, băng qua Hoành Sơn để tới vùng đá vôi Kẻ Bàng, những hẻm vực bị kẹp dưới dãy núi cao hun hút. Chúng tôi đi theo dấu chân của Vệ quốc đoàn, của đoàn quân Nam Tiến năm xưa. Trèo lên Ba Rền, đường vách chênh vênh, ngang lưng trời mây phủ. Đỉnh Động Ngài, đỉnh Mang óng ánh tầng tầng đá gra-nít xếp nếp. Thung Lũng A Lưới, A Sầu trải dọc theo sông Rào Lao. Đường chiến lược đan thành mạng lưới. Bò lên “Cửa Tử” rồi leo xuống thung sâu và chạy khuất vào màu xanh của núi rừng. Màu xanh của đoàn quân áo lính cứ thế tiến về giải phóng miền Nam. Đường 9 đây rồi! Con đường máu từ Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh… đường mở ra mạch lớn theo các thung lũng và sườn đồi Bồ Dền, vượt qua Lao Bảo, nơi “địa ngục trần gian” rồi chúng tôi tiến vào Đắc Tô, Đắc Pét, dòng sông Crông Pô Tô cùng Crông Ân biếc xanh hiện ra trước mắt như dải lụa mềm, như một bản trường ca hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, để bắt gặp màu xanh của “Rừng Xà Nu”. Tháng ba về, hoa Pơ Lang nở đỏ “Đường ta đi dài theo đất nước”, đường lau lách phủ kín đoàn quân. Chúng tôi gặp người Ba-na cưỡi voi đi đánh giặc, người S'tiêng rộn rã trong “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và bắt gặp từng đàn hươu, nai, lợn rừng kéo nhau bước lững thững trong những khu rừng, dổi, cẩm lai, rừng chằng chịt dây leo. Tiếng chim rừng “bắt cô trói cột” “khó khăn khắc phục” như động viên, thúc giục đoàn quân. “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận/ Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác”… Đoàn quân ấy không chỉ có lớp trẻ chúng tôi mà còn có cả lớp cha anh, những người thầy giáo, những kỹ sư, bác sĩ, những người làm khoa học, cùng các nhà báo, nhà văn, họa sĩ và cả lớp lớp trai làng ra đi cứu nước vì “Tuốt gươm không chịu sống quỳ/ Tuổi xanh chả tiếc sá chi bạc đầu/ Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Chúng tôi đi mang theo dòng máu của Điện Biên năm xưa và mang trong tim lời kêu gọi của Bác “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hơn, to đẹp hơn”…
Bước chân đến Trường Sơn, các nhà địa chất thường nghĩ về niên đại xa xôi, tìm hiểu những biến động của ruột trái đất để tạo nên những nếp nhăn của vỏ ngoài cùng. Khối nền cổ In-đô-nê-xi-a nhô lên khỏi mặt biển để kéo theo sự xếp tầng của Ngọc An, Ngọc Lĩnh, Plây Cu, Kon Tum, Đắc Lắc… Bước chân lên vùng núi trùng điệp ấy, khởi đầu là một lớp người mang ba lô, chống gậy, luồn rừng, băng thác để đánh dấu con đường huyền thoại “Đường mòn Hồ Chí Minh”, là những người của Đoàn 559 rồi từng tốp thanh niên xung phong phá đá, mở đường. Khi giặc phát hiện ra, chúng dùng đủ mọi phương tiện từ máy bay ném bom ngày đêm, chúng đã dùng máy móc tối tân để dò dấu quân đi. Chúng còn rải chất độc hóa học, đánh thuốc độc vào nguồn nước rồi thả cả cây nhiệt đới, bom tọa độ, bom phốt pho, mìn cóc, mìn lá làm cho tán rừng Trường Sơn cháy nham nhở. Từng đàn voi, hươu, nai, lợn rừng không còn chỗ trú phải bỏ sang Lào, song chúng vẫn không ngăn cản được bước chân của đoàn quân áo lính. Mộ của đồng đội rải dọc Trường Sơn là những tấm bia chỉ đường cho đoàn quân tiến về giải phóng quê hương. Lúc nghỉ giải lao, thơ của Bác Hồ đã được tạc lên đá, khắc vào gốc cây, “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” và chỉ có một hướng tiến lên phía trước. Trường Sơn ơi! Yêu thương biết nhường nào khi những tên rừng cổ sơ Ba Rền, A Sầu, Pu Loi, Pết Đu đã hòa vào những tên Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định, đèo Cẩm Vân, nơi bom đạn kẻ thù chẻ toác đá, tướp cây, vẫn mãi mãi vang dội tiếng hô của Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù: Bắn!”. Dọc đường hành quân, nở theo từng chùm hoa rừng là tiếng hát của mọi miền đất nước tụ về: Điệu ru con Nam Bộ; ca bài chòi Khu 5; hò mái nhì, mái đẩy; quan họ Bắc Ninh; chầu văn Nam Hà; xoan ghẹo Phú Thọ, phường vải Nghệ Tĩnh; hò kéo lưới Thanh Hóa… của đoàn quân áo lính trùng trùng điệp điệp ấy đã nổ súng ở Buôn Ma Thuột rồi tiến về giải phóng Sài Gòn vào 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã vậy, khi đất nước thanh bình, những đoàn quân màu xanh áo lính vẫn phải đổ mồ hôi trên thao trường, vẫn phải đổ máu xương nơi biên giới, hải đảo để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hành trang của người lính vẫn là bộ quân phục màu xanh, chiếc ba lô con cóc với khẩu súng trên vai, mãi mãi xứng đáng là “Anh Bộ đội Cụ Hồ”.
B.S.C