Ủy ban Khởi nghĩa tại Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945.

Cụ Trần Thị Anh Kim (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng), cán bộ lão thành cách mạng, kể lại nhiều ký ức sâu sắc về Mùa thu lịch sử 1945 và luôn khẳng định đó là niềm tự hào của muôn thế hệ con cháu Lạc Hồng.

Từ những năm 1936-1939, cụ Trần Thị Ánh Kim đảm nhiệm công tác cảnh giới, liên lạc, cất giấu tài liệu cách mạng và vận động gia đình ủng hộ tiền bạc, thóc gạo để nuôi giấu cán bộ. Đầu năm 1945, cụ Kim được giao làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc Khu Đông (Đà Nẵng). Vị nhân chứng lịch sử này còn nhớ: Tháng 5-1945, tổ chức Việt Minh ở tỉnh Quảng Nam được thành lập. Tháng 6-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam đề ra chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền, phát triển lực lượng vũ trang và tích cực chuẩn bị để giành chính quyền khi thời cơ đến. Ngày 14-8-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam họp hội nghị mở rộng và quyết định phát động khởi nghĩa, không chờ chỉ thị mới của T.Ư hoặc Xứ ủy. Quyết định này lập tức động viên quần chúng nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 18-8-1945, quần chúng cách mạng đã đứng lên làm chủ Hội An, chiếm dinh tỉnh trưởng và lần lượt khởi nghĩa thắng lợi ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước.

Tại Hòa Vang, lệnh Tổng khởi nghĩa truyền đi khắp nơi. Nhân dân, tự vệ, du kích nô nức đứng lên giành chính quyền ở các tổng An Phước, An Lưu, Thanh An, Bình Thới, Thái Hòa... 8 giờ ngày 22-8-1945, lực lượng tự vệ cứu quốc tiến vào huyện đường buộc Tri huyện Ngô Khắc Trâm đầu hàng và giao nộp các loại tài liệu, ấn triện. Thế là, toàn bộ khu vành đai Hòa Vang khởi nghĩa thành công, tạo áp lực mạnh mẽ đối với phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn ở Đà Nẵng.

Lúc này, Đà Nẵng cũng đang sục sôi khí thế cách mạng. Tối 16-8-1945, Ủy ban Việt Minh thành phố đã bầu ra Ủy ban Khởi nghĩa thành phố do đồng chí Lê Văn Hiến làm Trưởng ban. Lực lượng Tự vệ cứu quốc trong thành phố phát triển nhanh chóng, được biên chế thành các đại đội với tổng số hơn 1.500 người. Các cơ sở của ta khẩn trương chuẩn bị truyền đơn, biểu ngữ, băng cờ. Nhiều lò rèn ngày đêm hối hả rèn giáo, gươm, mã tấu... Các tổ chức, đoàn thể nhanh chóng được củng cố, phát triển. Ủy ban Khởi nghĩa thành phố chỉ thị cho các xã, phường ngoại thành: “Nơi nào đã chín muồi thì phát động khởi nghĩa, thành lập UBND Cách mạng lâm thời”.Uy thế cách mạng dâng cao không chỉ làm bọn tay sai run sợ mà còn làm cho quân Nhật hoang mang. Tên tư lệnh quân Nhật tại Đà Nẵng đã chấp nhận án binh bất động và khi ta khởi nghĩa, phải chấp nhận yêu cầu của ta.

Sáng 22-8-1945, được tin báo là chiều 22-8, lực lượng thanh niên thân Nhật sẽ tổ chức mít tinh tại khu vực An Hải, cụ Kim liền xin ý kiến của đồng chí Nguyễn Trác - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng về việc cướp diễn đàn của chúng để tuyên truyền cách mạng. Chiều hôm đó, cụ Kim cùng các đồng chí lãnh đạo Khu Đông đã tổ chức cướp diễn đàn, mít tinh tuyên truyền vận động khởi nghĩa. Sau khi kêu gọi nhân dân đứng lên đánh đổ đế quốc và phong kiến, cụ Kim và lãnh đạo Khu Đông tổ chức xuống đường, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!”…

Tiếp đó, đồng bào các xã Thanh Khê, Hà Khê, Liên Trì, Sở Công chính... đã nổi dậy giành chính quyền. Tình hình hết sức khẩn trương. Lúc đầu, ta dự kiến khởi nghĩa toàn thành phố vào ngày 23-8, sau đổi lại ngày 26-8, thống nhất lấy tiếng còi tầm buổi sáng ở nhà bưu điện làm hiệu lệnh nổi dậy và đã vận động được hơn 150 binh sĩ địch làm nội ứng.

Đúng 8 giờ ngày 26-8, khi tiếng còi tầm vang lên, lập tức hàng vạn tự vệ và quần chúng cách mạng nhất tề xông vào chiếm giữ toàn bộ công sở, nhà máy và đồn bốt của địch. Khắp nơi rực rỡ cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, khẩu hiệu. Ủy ban Khởi nghĩa trong từng địa phương nhanh chóng giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Cụ Kim hồ hởi: “Ở làng An Hải, khi lực lượng tự vệ của ta tiến vào nhà, tên lý trưởng Đỗ Trọng Viên hoảng hốt, run rẩy nộp triện và toàn bộ giấy tờ, sổ sách. Còn tại Tòa Đốc lý, đồng chí Lê Văn Hiến nhân danh UBND Cách mạng lâm thời T.P Đà Nẵng tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn. Đến 9 giờ ngày 26-8-1945, cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi trong toàn thành phố”.

Sáng 28-8-1945, ta tổ chức mít tinh tại sân vận động Chi Lăng và công bố danh sách UBND Cách mạng lâm thời thành phố, do đồng chí Lê Văn Hiến làm Chủ tịch. Những người dân vừa vùng lên phá tan gông xiềng nô lệ hào hứng đón nghe các chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng và sát cánh bên nhau, giơ cao nắm tay thề kiên quyết bảo vệ nền tự do độc lập. “Không chỉ riêng thế hệ chúng tôi, Mùa thu Cách mạng năm 1945 mãi mãi là niềm tự hào của muôn thế hệ con cháu Lạc Hồng” - cụ Trần Thị Ánh Kim nhấn mạnh.

Lê Văn Thơm