Đời tài hoa
Nhà thơ Hàn Mặc Tử mất đi, nhưng những vần thơ của ông vẫn còn mãi trong lòng người đọc. Hằng năm, nhà lưu niệm, mộ nhà thơ Hàn đón nhiều khách tham quan, họ không chỉ thương xót cho một kiếp người bất hạnh, mà còn khâm phục một người tuổi trẻ tài cao, đã viết nên những bài thơ giá trị mãi sau này. Những vần thơ, tài hoa ấy nay đang được những người yêu thơ trân trọng. Nhiều sinh viên, học sinh chép thơ Hàn Mặc Tử trong sổ tay, rồi mang đi trong suốt thời sinh viên của mình. Trong cuốn sổ ghi chép của Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa, nhiều người yêu thơ đã viết những dòng đồng cảm. Có người làm thơ tặng. Những người trông nom ở nhà lưu niệm còn kể lại rằng, có ông khách đến đây còn khóc như mưa, rưng rức cả tiếng đồng hồ, có lẽ vì quá tiếc thương cho một tài năng.
Giờ thì con người tài hoa ấy vĩnh viễn nằm đó, giữa trời xanh bao la, nghe biển hát, sóng vỗ, tiếng đời vẫn vang trong từng chiếc lá. Du khách đến thăm có thể tìm đến mộ của ông, thành kính thắp nén nhang để tỏ lòng yêu mến.
Dày công góp nhặt
Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử tại Bệnh viện phong, da liễu Quy Hòa chính là nơi nhà thơ đã sống 52 ngày cuối đời. Tất cả vật dụng ở dây đều được giữ nguyên, từ chiếc giường nằm, bộ bàn ghế, chiếc quạt trần cho đến những bút tích thơ của ông. Trên tường của phòng lưu niệm có mấy bức tranh do em kế của ông là Nguyễn Bá Tín ký họa. Bên này là bức tranh vẽ Hàn Mạc Tử với chiều buồn nơi xóm biển Ghềnh Ráng, bức Hàn Mặc Tử giữa hai vách đá với tiêu đề “Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu”; bên kia là bức Hàn Mặc Tử cùng bạn bè trên gác trọ hay Hàn Mặc Tử trong một đêm trăng ở Gò Bồi (Tuy Phước)… Những nét vẽ chì mang tính mô phỏng, nhưng chí ít cũng giúp người xem hình dung về một phần đời của nhà thơ.
Người có ý tưởng và quyết định lập Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử trong khuôn viên bệnh viện là bác sĩ Nguyễn Quang Thuận, nguyên Giám đốc Bệnh viện phong, da liễu Quy Hòa. Ông muốn các bệnh nhân mới và khách tham quan hiểu hơn về cuộc đời của nhà thơ khi đến phòng lưu niệm, hy vọng các bệnh nhân sẽ có thêm niềm vui và nghị lực để vượt qua bệnh tật; còn du khách sẽ cảm nhận được tài hoa của nhà thơ khi đọc những vần thơ đầy máu và nước mắt, nhưng vẫn không mất tính lãng mạn. Cạnh Phòng lưu niệm Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa, cuộc đời 28 năm thăng trầm của nhà thơ tài hoa bạc mệnh này cũng đang được những người yêu thơ ông góp nhặt. Trong số những người bỏ nhiều công sức và tâm huyết thì người phải nhắc đến ông Phạm Xuân Tuyển (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Hơn 30 năm qua, ông Tuyển đã cất công đi tìm tư liệu và tái hiện “Chân dung Hàn Mặc Tử”. Công việc của ông đến bây giờ vẫn tiếp diễn, không biết có phải ông quá yêu thơ Hàn Mặc Tử hay đồng cảm với con người tài hoa. Ông tặng lại cho Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng nhiều tư liệu, hình ảnh có giá trị về thi sĩ. Ngoài ra, còn có nhiều tư liệu, hình ảnh được sưu tầm từ gia đình, người thân của nhà thơ, như hình ảnh gia đình Hàn Mặc Tử do cháu ngoại ông cung cấp.
Nguyễn Văn Hoan