"Cán bộ chưa biết sợ hay do lòng tham không đáy, để vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng phức tạp, có vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; cả T.Ư, cả cán bộ địa phương?…".
Đây là câu hỏi của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư - Trương Thị Mai nêu ra khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) cấp tỉnh năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Đúng thật. Chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTNTC với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” có kết quả cao như hiện nay. Công tác này được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, số vụ án tham nhũng đã khởi tố, điều tra tăng hơn 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. 97 cán bộ diện T.Ư quản lý vi phạm pháp luật bị xử lý, gấp gần 9 lần nhiệm kỳ Khóa XI và nhiều hơn 3/4 số cán bộ bị xử lý của cả nhiệm kỳ Khóa XII; trong đó có 8 Ủy viên và 11 nguyên Ủy viên T.Ư Đảng. Đây là con số được ông Đặng Văn Dũng - Phó ban Nội chính T.Ư thông tin tại cuộc họp thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTNTC.
Không biết sợ pháp luật. Kỷ luật hành chính càng không biết sợ? Cách đây mấy ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm theo quy định. Sau khi xem xét đề nghị của Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nhận thấy khuyết điểm, vi phạm của ông Đặng Trần Trung - Giám đốc Sở NNPTNN và 4 cán bộ khác ở địa phương này.
Họ đã chơi golf trong giờ hành chính, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng uy tín của tổ chức Đảng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật. Ông Đặng Trần Trung đã bị cho thôi chức vụ Giám đốc Sở. Tỉnh ủy Bắc Ninh sẽ thực hiện quy trình cho thôi Tỉnh ủy viên đối với ông này.
Việc chơi golf trong giờ làm việc không mới. Cách đây 3 năm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định cũng đã miễn nhiệm Giám đốc sở du lịch chơi golf trong thời gian giãn cách xã hội.
Về lòng tham, đúng là “lòng tham không đáy”. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Người khẳng định: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Đáng tiếc, “chủ nghĩa cá nhân” đang phát triển, biến thái hơn bao giờ hết. Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý (kể cả trong lực lượng vũ trang) đã và đang bán rẻ danh dự, nhân phẩm của mình, bị “mồi phú quý, bả vinh hoa”, “viên đạn bọc đường” làm gục ngã. Chỉ vì lợi ích vật chất mà bất chấp, bỏ qua các nguyên tắc, quy định, vi phạm điều lệ, kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Họ đã kết bè, kéo cánh coi vật chất, tiền bạc là trên hết, như thể bị “đứt dây thần kinh xấu hổ”, lương tri như bị “ngủ quên” để làm những việc sai trái, vô đạo đức, lấy của công làm của tư, tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nói về đạo đức cách mạng. Cách đây 2 năm (ngày 15-9-2021), khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".
Đáng tiếc, số cán bộ “đớn hèn, vô liêm sỉ”, chạy theo cám dỗ vật chất, không phải là ít. Cuộc đấu tranh PCTNTC càng phải “Không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm”. Tại buổi họp báo sau Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn".
Chúng ta đã và đang được chứng kiến cuộc đấu tranh này.
Với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã coi trọng việc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực vi phạm, tạo khuôn khổ pháp lý, vạch được "ranh giới đỏ" để cán bộ không bước qua, mà muốn bước qua đều phải sợ. Đồng thời, tạo khuôn khổ để cán bộ dám nghĩ, dám làm, không e ngại, sợ sệt.
Chúng ta đã qua gần 20 năm (tính từ khi có Chỉ thị 06-CT/TW ngày 7-11-2006) học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều việc đã làm được và không ít việc chưa làm được. Thực tiễn cho thấy, “học tập” đã quan trọng nhưng “làm theo” còn quan trọng hơn; cán bộ chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Rất khó để hô hào nếu không tiếp tục hoàn thiện “lồng” luật pháp; “nhốt” được quyền lực trong cái “lồng” luật pháp. Đồng thời phải tiếp tục đấu tranh PCTNTC với tinh thần không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”.
Câu chuyện ông Nguyễn Thành Danh - cựu Giám đốc CDC Bình Dương vừa qua được TAND T.P Hà Nội miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhờ biết khước từ, không nhận tiền của Việt Á mang đến cho chúng ta niềm tin là liêm sỉ vẫn còn.
Ngô Đức Trung