Đã thành quy luật, Đảng ta muốn tồn tại và phát triển, thì Đảng phải thực hiệnnghiêm các nguyên tắc của Đảng. Nhất là nguyên tắc “Tự phê bình và phê bình” trong sinh hoạt Đảng phải như “rửa mặt hằng ngày”.
Thấm nhuần quy luật đó, lịch sử Đảng ta hơn 90 năm qua, kể từ ngày thành lập, càng trong những lúc khó khăn Đảng càng đặc biệt coi trong nguyên tắc tự phê bình và phê bình, vì nó trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của tổ chức Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng.
Điển hình như ngày mới lập nước, khi Đảng ta nhận ra sai lầm trong cải cách ruộng đất (1954-1957), Đảng đã dành phần chính Hội nghị T.Ư 10 Khóa II, để tự phê bình, tự chỉ trích; chỉ rõ những sai lầm có tính nguyên tắc trong cải cách ruộng đất và yêu cầu chấn chỉnh sửa sai. Các lãnh đạo cao nhất trong Ban Chỉ đạo Cải cách ruộng đất nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật nghiêm, như Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; các ông:Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương thôi Ủy viên Bộ Chính trị;Hồ Viết Thắng thôi BCH T.Ư...
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa I (29.12.1956 -25.1.1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm và xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Hình ảnh Bác không cầm được nước mắt, khi nhấn mạnh về những sai sót của Đảng đến nay vẫn còn in đậm trong lòng dân.
Không chỉ trong Cải cách ruộng đất, mà ngay cả trước những thói hư, tật xấu, nạn tham ô, lãng phí của những “ông quan cách mạng”, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ cũng đã tự phê bình, nhận khuyết điểm trong toàn Đảng, toàn dân. Bác viết đăng trên báo Cứu quốc: “...Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân…, tệ tham ô, nhũng lạm chưa quét sạch… Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”.
Thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật; nghiêm túc phê bình, dũng cảm nhận lỗi trước đồng bào, kiên quyết sửa sai, đã thể hiện sự chân thành của Đảng và sự nêu gương của lãnh đạo. Đó chính là dũng khí của Đảng đã vừa làm nghiêm trong Đảng, vừa lấy lại lòng tin cuả nhân dân và trở thành bài học bổ ích cho công tác xây dựng Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bài học kinh nghiệm đầu tiên Đảng ta rút ra là “Phải thực hiện tốt nguyên tắc tắc tự phê bình và phê bình”.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, những năm gần đây,tự phê bình và phê bình,nhất là gương mẫu trong “tự phê bình” chưa phải đã được các tổ chức Đảng; người đứng đầu làm tốt -mặc dù bốn nguy cơ thách thức đối với sự tồn vong của Đảng; của chế độ mà lần đầu tiên Đảng ta chỉ ra từ giữa nhiệm kỳ Khoá VII, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Điển hình như tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa ngăn chặn hiệu quả được; kể cả số vụ vi phạm và mức độ nghiêm trọng. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện T.Ư quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng; Năm 2023, kỷ luật 606 tổ chức Đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% so với năm 2022); khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng gần gấp đôi so với năm 2022). Án tham nhũng tăng gần 2 lần về số vụ và hơn 2 lần về số bị can”...
Vậy mà; rất tiếc là trong những năm qua, lại cũng chưa có tổ chức Đảng; người đứng đầu tự phê bình; tự nhận khuyết điểm trước Đảng, trước nhân dân! Cũng chính vì không làm tốt công tác tự phê bình và phê bình nên thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên không được “đồng chí mình” kịp thời góp ý giúp đỡ để kịp thời sửa chữa, tiến bộ;
Do làm không tốt tự phê bình và phê bình, nên cá biệt có cán bộ, đảng viên thật giả, xấu tốt lẫn lộn; mới dẫn đến tình trạng có cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao mới được bổ nhiệm, mới được đề bạt thì đã phải cho thôi giữ chức vụ vừa đề bạt...; Nhức nhối nữa là hầu hết tổ chức Đảng; cán bộ, đảng viên trước khi bị kỷ luật, kiểm điểm hằng năm đều đạt “trong sạch, vững mạnh”; “đảng viên hoàn thành tốt; thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”(!)
Nguyên nhân chính không làm tốt công tác tự phê bình và phê bình là do nhận thức không đúng về tự phê bình và phê theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người viết: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”;
Cách tự phê bình và phê bình thì phải “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét...”;
Người nhấn mạnh: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính...” (Sửa đổi lối làm việc).
Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông cảnh báo về “Tự phê bình và phê bình” trong Đảng.
Huy Thiêm