Tại An Giang, các nhà máy chế biến xuất khẩu và thương lái thu mua lúa gạo giống IR 50404 với giá 5.800-6.000 đồng một kg, tăng 200 đồng so với tuần trước.
Lúa chất lượng cao giống OM 2514 được trả 6.100-6.200 đồng mỗi kg, Jasmine dao động 6.800-6.900 đồng, IR 50404 ở các chợ đầu mối từ 10.000-10.500 đồng, cao hơn hẳn nửa tháng trước.
Hiện năng suất thu hoạch bình quân ở tỉnh An Giang 5,5-6 tấn một ha, nên nguồn cung dồi dào cho hoạt động thu mua và chế biến xuất khẩu. Ở Hậu Giang, thương lái thu mua lúa của nông dân với giá 6.200-6.300 đồng, tăng 300-400 đồng một kg so với trung tuần tháng 7.
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa gạo đang có dấu hiệu tăng trở lại, dao động từ 5.750 đến 5.850 đồng một kg, tăng 200 đồng so với tuần trước.
Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường hiện dao động 5.750- 5.850 đồng, lúa dài khoảng 5.950-6.050 đồng. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.850-7.950 đồng một kg, tùy từng địa phương. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.700-7.800 đ.
Nguyên nhân chính khiến giá lúa gạo tăng trở lại là nhờ các đơn hàng mới ký kết với Bangladesh, Indonesia. Thái Lan cũng đang thỏa thuận mua gạo, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Hiện Đồng Tháp đã thu hoạch 85% trên tổng diện tích 206.942 ha. Các thương nhân ráo riết thu mua lúa gạo trong dân.
Giá lúa tại ĐBSCL tăng cao sau khi thị trường Thái Lan lên cơn sốt, chính phủ nước này hạn chế xuất khẩu trong khi người dân đẩy mạnh tích trữ. Vì thế nhiều ý kiến nghi ngờ giá lúa trong nước tăng cao một phần do Thái Lan cho tàu thuyền qua thu gom. Tuy nhiên, thông tin này chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng.
Hoàng Linh (TH)