Biên đội tàu Lữ đoàn 167 huấn luyện trên biển.

Khi bước lên các con tàu của Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân đang neo đậu tại cảng, chúng tôi nhận thấy sự gọn gàng, ngăn nắp ở tất cả các vị trí. Từ buồng chỉ huy, buồng máy, cầu thang, hành lang đến các phòng của bộ đội đều sạch bóng. Cán bộ, chiến sĩ say sưa với công việc bảo quản vũ khí trang thiết bị trên tàu.

Trên các tàu của Lữ đoàn có nhiều trang, thiết bị quan trọng, tàu lại thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển; nếu không bảo quản, bảo dưỡng tốt sẽ dẫn đến tình trạng hư hỏng nặng do môi trường nước mặn, thời tiết khắc nghiệt. Mỗi lần đơn vị tổ chức bảo quản, bảo dưỡng, Thượng tá Phạm Tiến Dũng - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 167 đều trực tiếp đến từng bộ phận để kiểm tra công tác bảo quản, bảo dưỡng của anh em. Anh Dũng cho biết: “Lữ đoàn 167 trong những năm qua được Đảng, Nhà nước đầu tư nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật; nên quá trình khai thác, vận hành và tổ chức huấn luyện rất bài bản. Muốn huấn luyện tốt thì công tác kỹ thuật quyết định rất lớn. Bởi vì có kỹ thuật tốt thì huấn luyện mới bảo đảm được đồng bộ, vũng chắc”.

Ngay sau khi Lữ đoàn được Quân chủng chọn làm điểm về công tác kỹ thuật và để đảm bảo tốt tàu thuyền cho thực hiện các nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo đảm kỹ thuật. Từng bộ phận thực hiện nghiêm các quy định về công tác kỹ thuật theo đúng các chỉ thị, hướng dẫn, chỉ tiêu mà Quân chủng đã đề ra. Lấy Cuộc vận động 50 và 2 khâu đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật” và “Làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật” làm điểm then chốt để thực hiện nhiệm vụ, qua đó đã góp phần xây dựng các con tàu luôn được chính quy mẫu mực.

Bước lên con tàu 377, chúng tôi cảm nhận các trang thiết bị còn rất mới như vừa được đầu tư, lắp đặt. Mặc dù không gian nhỏ hẹp, trang thiết bị nhiều nhưng rất gọn gàng ngăn nắp. Để có được điều đó, Trung tá Nguyễn Nam Sông - Thuyền trưởng tàu 377 cho biết cách làm cụ thể: Thời gian vừa qua, tàu đã bám sát kế hoạch của trên, xây dựng các kế hoạch và tổ chức thực hiện chặt chẽ. Đơn vị đã tổ chức bảo quản như sơn sửa lại tàu, sửa chữa lắp đặt lại các bảng biển theo hướng dẫn chính quy, mẫu mực. Tổ chức đăng ký các loại sổ sách, mẫu biểu theo đúng hướng dẫn, kết  hợp với Phòng Kỹ thuật, các xưởng sửa chữa để khắc phục sửa chữa hỏng hóc trên tàu.

Tại các khu nhà kho, trạm sửa chữa các trang thiết bị được sắp đặt khoa học, dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra. Trên hệ thống giá sách, sổ sách, mẫu biểu được ghi chép, thống kê đầy đủ việc theo dõi công tác bảo quản bảo dưỡng ngày, tuần. Trong những cuốn sổ công tác tuần của cán bộ, nhân viên đã thể hiện rất tỉ mỉ kế hoạch học tập, bảo quản, bảo dưỡng của từng người. Thiếu úy Đặng Văn Thành - Trưởng Ngành 2, Tàu 377 cho biết: Về phương pháp quản lý và bảo quản về công tác kỹ thuật: Trong công tác bảo quản ngày, tuần, tháng, quý thì có phiếu công nghệ, trực tiếp đưa cho chiến sĩ. Làm đến đâu đánh dấu đến đó, nếu không làm được thì tích vào phần không làm được để trên kiểm tra thấy được quá trình bảo quản cụ thể của bộ đội.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ tàu 377, chúng tôi đến tàu 379. Gặp Trung úy Nguyễn Hoàng Thông - Phó trưởng Ngành 5, anh cho biết: Xương sống của công tác kỹ thuật ở đơn vị là việc thực hiện Cuộc vận động 50, giữ tốt dùng bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông. Ở tàu, công tác bảo quản được đặt lên hàng đầu.

Nhờ những cách làm sáng tạo, sau một thời gian ngắn thực hiện điểm về công tác kỹ thuật, qua kiểm tra, đánh giá công tác kỹ thuật của trên, Lữ đoàn đã giành điểm cao và xếp loại giỏi, xứng đáng là đơn vị được lựa chọn là điểm về công tác kỹ thuật của Quân chủng Hải quân.

Hoàng Nghiệp