Thu hoạch tôm ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải.
Tỉnh Bạc Liêu đã lồng ghép nhiều nguồn vốn, đầu tư trên 169,7 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tiền điện, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã trọng điểm này. Kết quả mang lại là đáng ghi nhận, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Rõ nhất, tỷ lệ hộ nghèo ở cả 8 xã giảm bình quân gần 3%/năm, tính chung từ trên 5.000 hộ xuống còn hơn 800 hộ (giảm gần 4.200 hộ). Số hộ cận nghèo cũng giảm từ 2.429 xuống còn gần 700.
Bà Nguyễn Thị Thanh ở xã Hiệp Thành chia sẻ: So với trước đây thì hiện nay đời sống người dân ở các xã ven biển thay đổi rõ rệt. Điện, đường, trường, trạm... được đầu tư khang trang; người dân được tạo điều kiện tăng gia sản xuất, có việc làm ổn định; trẻ em được học hành đến nơi đến chốn...
Bà Trần Hồng Chiến - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Việc thực hiện các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi khác cho 8 xã bãi ngang ven biển đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Hoa.
Bà Chiến khẳng định: Quyết định số 539/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, để chủ trương trên ngày càng phát huy hiệu quả, các bộ, ngành Trung ương cần ban hành cơ chế quản lý, điều hành, thực hiện thống nhất với tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng đầu tư cho các chương trình, dự án; sớm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Huỳnh Sử