Đi từ xã Long Hưng, Mỹ Phước (Mỹ Tú, Sóc Trăng) qua các xã Hiệp Hưng, Tân Phước Hưng, Phụng Hiệp, Hòa Mỹ, Hòa An của (Phụng Hiệp, Hậu Giang), đâu đâu cũng thấy nông dân chật vật trên cánh đồng đốn mía chạy lũ. Chưa có năm nào cây mía miền Tây lại long đong như năm nay. Nguyên nhân là do đường còn tồn đọng hơn 250.000 tấn và đường nhập lậu hàng ngày vẫn công khai tuồn vào qua đường biên giới. Ngành đường đang phải đối mặt với những thách thức là phải thu mua cho dân theo cam kết đã ký với giá cao, trong khi càng sản xuất càng bị lỗ vì giá thành bán ra thấp do phải cạnh tranh với đường nhập lậu.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, năm 2012 sức sản xuất sẽ đạt 1,5 triệu tấn, đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thích dùng đường ngoại làm nguyên liệu vì giá rẻ hơn đường nội. Chính vì vậy mà hiện nay, tuy mía đã vào vụ thu hoạch và niên vụ mía đường đã chính thức khởi động hơn 3 tháng nhưng vẫn còn nhiều nhà máy hoạt động chỉ 30 đến 50% công suất.

Tại các xã Hòa An, Hiệp Hưng, thị trấn Bún Tàu, mía đang bị chết cây do ngập lũ, giảm năng suất từ 20-30%. “Thương lái mua mía không cho đốn trước, khi ghe tới ruộng mới đốn, đốn ngày nào cân ngày đó nên tiến độ thu hoạch rất chậm. Ruộng mía của tôi lấy tiền cọc gần một tháng, nhưng tới nay mới có ghe tới cân” - ông Lê Văn Kiệp, ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, (Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết. Giá mía tại nhiều địa phương đang xuống rất thấp. Cụ thể, mía roc 11, 13 có giá chỉ 650-800 đồng/kg, mía roc 16 có giá 900-950 đồng/kg... Với giá bán như trên, sau hơn 10 tháng trồng và chăm sóc, vụ mía năm nay bà con trồng mía hầu như không có lãi, nếu có cũng rất thấp. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty mía đường Hậu Giang nói: “Nếu không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ đường, công ty phải giảm giá thu mua mía, tất nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ dân sống bằng nghề trồng mía”.

Đã đến lúc các nhà máy đường và Hiệp hội mía đường Việt Nam cần tìm hiểu kỹ nhu cầu tiêu dùng trong nước, trong đó chú ý đến những khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm để có biện pháp đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng đường, giảm giá thành sản xuất nhằm cạnh tranh với sản phẩm đường ngoại nhập. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ nông dân trồng mía vì lâu nay, người trồng mía phải tự bơi trong cơ chế thị trường, chưa nhận được sự hỗ trợ nào về chính sách cho cây mía. Chính vì vậy, ở các địa phương đã có năm nông dân đốn bỏ mía và nhà máy đường đến niên vụ mía đường phải khốn đốn tranh nhau mua nguyên liệu đẩy giá lên cao.

Bài và ảnh: Uyên Phương