Ngày 22-5, tại Seoul (Hàn Quốc) trước khi lên đường đến Nhật Bản để tiếp tục chuyến công du châu Á đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã gửi một thông điệp đơn giản, ngắn gọn “Xin chào...!” đến nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un. Đáp lại lời chào này, ngay khi ông Biden rời khỏi Tokyo, sáng sớm ngày 25-5, Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa ra vùng biển phía đông của nước này. Vụ thử tên lửa thứ 17 của Triều Tiên từ đầu năm tới nay là một thông điệp cứng rắn gửi tới Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Động thái trên chẳng những phủ bóng đen lên tương lai phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên mà còn đẩy khu vực Đông Bắc Á vào tình trạng đối đầu quân sự căng thẳng.

Có thể thấy, lời chào của ông Biden thể hiện cách tiếp cận không quá cứng nhắc cũng chẳng quá thân mật, hồ hởi trong cách tiếp cận với Triều Tiên của chính quyền Mỹ do ông lãnh đạo, cho dù trước đó đã có tới 16 vụ thử tên lửa các loại của Triều Tiên từ đầu năm đến nay. Có thể, dù Triều Tiên đang phải đối mặt với việc đại dịch Covid-19 vừa bùng phát ở nước này nhưng lại im lặng trước đề xuất cứu trợ của Mỹ và Hàn Quốc khiến chính quyền hai nước trên cảm nhận rõ sự lạnh nhạt của Triều Tiên trước động thái của hai chính quyền mới của cả Mỹ và Hàn Quốc. Vậy nên, một thái độ thận trọng nhưng cứng rắn, chờ phản ứng của Triều Tiên để có những bước đi tiếp theo là điều dễ thấy...

“Xin chào…!” giờ có thể được hiểu là cách tiếp cận nước đôi của Mỹ. Bản thân ông Biden khẳng định rõ: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho bất kỳ hành động nào của Triều Tiên”. Trong khi đó, cố vấn của ông thì chẳng úp mở. Phát biểu với các phóng viên trên chiếc Không lực Một, khi Tổng thống Biden bay đến Hàn Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng - Jake Sullivan cho biết: Mỹ đã phối hợp với Seoul và Tokyo về cách họ sẽ phản ứng nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân hoặc tấn công tên lửa trong khi Tổng thống Biden đang ở khu vực hoặc ngay sau chuyến thăm. Trước đó, ông Sullivan cũng nói chuyện với Ủy viên Bộ Chính trị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc - Dương Khiết Trì và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Triều Tiên ngừng các cuộc thử nghiệm.

Thế nhưng, Triều Tiên vẫn thử tên lửa ngay sau khi ông Biden rời Tokyo. Hành động của Triều Tiên cho thấy phản ứng mạnh mẽ của nước này trước sự răn đe của Mỹ và đồng minh bởi trước đó, tại cuộc gặp ở Seoul, ông Biden và người đồng cấp Hàn Quốc - tân Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhất trí cân nhắc tổ chức các cuộc tập trận quân sự lớn hơn và có thể Mỹ sẽ triển khai thêm các vũ khí có khả năng hạt nhân tới khu vực này để đáp trả các vụ thử vũ khí của Triền Tiên. Động thái trên có thể khiến Bình Nhưỡng phẫn nộ vì Triều Tiên vốn coi các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là để diễn tập cho một cuộc xâm lược.

Vậy là, chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tiên của Tổng thống Mỹ - Biden nhằm củng cố quan hệ đồng minh lại khiến tình hình an ninh ở Đông Bắc Á xấu đi trông thấy. Cành ôliu hoà bình đã bị dẫm nát, nhường chỗ cho những đầu đạn tên lửa hướng vào nhau.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa sáng sớm 25-5, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) phát đi thông cáo nêu rõ: “Trong khi tăng cường các hoạt động giám sát và cảnh giác, quân đội của chúng tôi, với sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ, đang duy trì tư thế sẵn sàng ở mức cao nhất”. Ở mức độ kiềm chế hơn, cùng ngày, quân đội Mỹ khẳng định: Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ hay các đồng minh. Thế nhưng, ai cũng hiểu, nếu những vụ thử này gây đe doạ trực tiếp cho quân đội Mỹ và đồng minh thì chiến tranh ắt đã xảy ra. Dẫu vậy, khu vực vẫn đang bên miệng hố chiến tranh khi chỉ thấy các hành động phiêu lưu quân sự mà không thấy các cuộc đàm phán vì hoà bình.

Thanh Huyền