Tính tới cuối buổi chiều tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 4/2013 tăng 26 xu, lên 91,08 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến thêm 32 xu, chốt ở mức 111,93 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường Ker Chung Yang thuộc Phillip Futures cho biết: "Lúc đầu, dường như những tác động của thông tin Tổng thống Chavez qua đời đối với thị trường dầu mỏ không lớn, song hoạt động đầu cơ tăng mạnh do lo ngại về nguy cơ bất ổn tại Venezuela - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu khu vực Mỹ Latin - đã đẩy giá 'vàng đen' tăng cao."
Theo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Venezuela hiện là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ được chứng minh lớn nhất thế giới. Chính phủ Venezuela cho biết nước này sản xuất được 3 triệu thùng dầu/ngày, mặc dù OPEC cho rằng con số này chỉ vào khoảng 2,3 triệu thùng/ngày. Hoạt động sản xuất dầu thô chiếm tới 90% nguồn thu ngân sách của Venezuela, bởi vậy bất kỳ sự biến động nào về lĩnh vực kinh tế chính trị tại nước này cũng có thể tác động tới thị trường dầu mỏ.
Đêm trước (5/3), giá dầu thế giới bất ngờ phục hồi trước sự khởi sắc của thị trường chứng khoán, sau khi tụt xuống mức thấp trong nhiều tuần vào phiên trước đó.
Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 4/2013 tăng 70 xu lên 90,82 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 1,52 USD lên 111,61 USD/thùng. Trước đó, trong phiên đầu tuần (4/3), giá dầu ngọt nhẹ New York đã giảm xuống dưới 90 USD, mức thấp nhất trong 2 tháng; còn giá dầu Brent cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2013. Kể từ tháng 2 tới nay, giá dầu kỳ hạn New York đã giảm 7 USD.
Theo nhà phân tích John Kilduff thuộc Again Capital, việc chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng lên mức cao nhất trong 6 năm, trước triển vọng phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ, đã thúc đẩy hoạt động mua vào trên thị trường năng lượng.
Bên cạnh đó, giá dầu ngọt nhẹ còn nhận được hỗ trợ từ sự tăng giá mạnh của dầu Brent trước mối lo ngại nguồn cung tại Biển Bắc có thể bị gián đoạn, trước sự cố rò rỉ tại giàn khoan Alpha Cormorant ở Biển Bắc của Công ty Năng lượng Quốc gia Abu Dabi. Hiện giàn khoan này cung cấp khoảng 90.000 thùng dầu/ngày cho hệ thống đường ống Biển Bắc.
Trong một thông tin có liên quan, mạng tin Oil price cho biết lần đầu tiên trong 40 năm qua, Mỹ đã để mất vị trí quốc gia nhập khẩu ròng dầu mỏ lớn nhất thế giới vào tay Trung Quốc. Các số liệu sơ bộ do Cơ quan thông tin của Bộ Năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy lượng dầu nhập khẩu ròng của Trung Quốc trong tháng 12/2012 đã vượt Mỹ. Mặc dù đây vẫn chưa phải số liệu chính thức, song thông tin trên được các chuyên gia đánh giá là "sự thay đổi chỉ xảy ra một lần trong một thế hệ" và sẽ làm chao đảo tình hình địa chính trị liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên./.
Theo Vietnam+ (TH)