Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Phước tổ chức chăn nuôi tại khu căn cứ HCKT.

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới dài 258,9km, có 3 huyện với 15 xã biên giới và tiếp giáp với 3 tỉnh Kratie, Mundunkiri, Tbongkhmun của Vương quốc Campuchia. Tình hình ANCT, TTATXH luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, thu ngân sách năm 2021 đạt 12.370 tỷ đồng (tăng 200% so với năm 2012)... Tuy nhiên, trên tuyến biên giới dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Điều đó đã tác động, ảnh hưởng đến việc xây dựng tiềm lực và bảo đảm hậu cần cho LLVT tỉnh. Trong khi nhu cầu bảo đảm, đầu tư cho công tác hậu cần ngày càng lớn, nhất là đầu tư xây dựng các căn cứ hậu cần - kỹ thuật (HCKT), xây dựng doanh trại, mua sắm vật chất, phương tiện...

Để thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần, 10 năm qua, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Phước quán triệt sâu sắc Nghị quyết 623 của Quân ủy T.Ư và Nghị quyết số 1021-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu 7 trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị LLVT trong tỉnh.

Thượng tá Trần Thế Anh - Chủ nhiệm Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cho biết: “Bộ CHQS tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện 17 đề án, 38 dự án và các kế hoạch với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể; phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng trong quá trình thực hiện nên công tác bảo đảm hậu cần các cấp đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với phong trào thi đua Quyết thắng của cơ quan, đơn vị; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, trách nhiệm trong thực hiện các mặt của công tác hậu cần”.

Đảng ủy Quân sự tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn kinh phí, ngân sách, đất đai... đầu tư xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ; có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các địa phương ngay từ khâu lập quy hoạch để có sự kết nối trong đầu tư xây dựng các dự án, công trình phát triển kinh tế xã hội địa phương, gắn với quy hoạch xây dựng khu căn cứ HCKT, căn cứ hậu phương, khu tăng gia sản xuất tập trung.

Để bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hằng năm đều chỉ đạo rà soát, bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện hệ thống văn kiện; dự trữ vật chất, trang bị hậu cần bảo đảm đầy đủ, đồng bộ theo chỉ lệnh của trên. Đồng thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương giao đất vùng lõi căn cứ HCKT cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 667ha với kinh phí đầu tư xây dựng 94 tỷ đồng.

Trong 10 năm qua đã tích cực thực hiện Đề án tăng gia sản xuất (TGSX) gắn với vùng lõi căn cứ HCKT, thao trường, trường bắn, đất sân bay… đến nay, LLVT tỉnh có 17 khu TGSX tập trung với diện tích 1.152ha, tăng 8 khu/663ha so với năm 2012; đạt giá trị thu từ TGSX bình quân đạt 6 triệu đồng/người.

Thực hiện Đề án của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Quân khu và tỉnh đầu tư xây dựng 12 chốt dân quân biên giới, tổng kinh phí 27 tỷ đồng. Các chốt được xây dựng kiên cố, có đủ nhà ở, bếp ăn, bảo đảm đầy đủ vật chất doanh cụ, điện nước, dụng cụ cấp dưỡng. Tham mưu cho HĐND,UBND tỉnh ban hành nghị quyết, quyết định bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ (DQTV). Mua bảo hiểm y tế cho 100% DQTV, lực lượng DQTV tại các chốt luôn an tâm tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy - UBND tỉnh đầu tư kinh phí cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Quân khu tổ chức xây dựng 10 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn trạm biên phòng với 125 căn nhà, tổng kinh phí gần 38 tỷ đồng. Điểm dân cư được xây dựng nằm sát đường tuần tra biên giới, giao thông thuận lợi; có đủ hệ thống điện, nước, sóng phát thanh, truyền hình, điện thoại. Các hộ gia đình được giao nhà ở kết hợp đất sản xuất, có đủ điều kiện định cư trên tuyến biên giới với thu nhập ổn định.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19, như: Thành lập và duy trì hoạt động 65 chốt biên giới, 226 chốt giáp ranh và nội địa; thành lập 195 khu cách ly tập trung, 8 bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, góp phần hạn chế dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh. Đã vận động, huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư y tế trị giá 67 tỷ đồng giúp nhân dân vượt qua khó khăn do đại dịch trên địa bàn Quân khu 7 và kiều bào đang sinh sống tại các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, giáp ranh với tỉnh Bình Phước.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 623, công tác hậu cần của LLVT tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện; nhận thức của của cấp ủy, chính quyền, sở, ngành địa phương cũng như cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ về công tác hậu cần trong khu vực phòng thủ (KVPT)có chuyển biến rõ nét; chất lượng bảo đảm hậu cần ngày càng được nâng cao; tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT ngày càng được tăng cường… góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ Quân sự, LLVT tỉnh trong sạch vững mạnh, toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.

Lê Huy Chung