(Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của Lữ đoàn 125 Anh hùng - đơn vị mở đường Hồ Chí Minh trên biển, Báo CCB Việt Nam xin trích đăng hồi ức của cố Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Võ Bẩm về sự kiện khai mở đường Hồ Chí Minh trên biển, giai đoạn 1959-1960).
Ngay sau những ngày tôi cùng Ban Cán sự Đoàn 559 rải quân, tổ chức tuyến giao liên vận tải đường bộ từ miền Bắc vào Nam, dọc theo dãy Trường Sơn (5-1959), anh Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, người trực tiếp giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, đã cho gọi tôi lên bàn việc tổ chức chi viện cho miền Nam bằng đường biển. Sau khi nghe tôi trình bày ưu thế và những khó khăn về chi viện đường biển, anh Vịnh chốt lại:
- Đúng là mạo hiểm, là khó khăn, nhưng cũng chính vì vậy mà kẻ địch dễ sơ hở; ta nên triệt để khai thác điều đó. Vả lại, chỉ cần một vài chuyến trót lọt cũng bằng hàng nghìn người mang vác đường rừng, lại chuyển hàng vào sâu được Nam Bộ…
Nhận nhiệm vụ trên giao, xác định quyết tâm rồi, nhưng trong tôi vẫn ngổn ngang bao nỗi trăn trở. Đặc biệt bài học xương máu từ chuyến vượt biển sang Trung Quốc năm 1950 theo lệnh của Liên khu ủy 5, gặp bão, luôn nhắc tôi phải tính hết mọi yếu tố bất lợi trong quá trình tổ chức vận chuyển trên biển.
Để tổ chức được một tiểu đoàn vận tải biển theo ý định của trên, chúng tôi xin ý kiến của Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng, rồi xuống làm việc với Cục Hải quân. Được sự giúp đỡ tận tình của Cục Hải quân, ngay lập tức, chúng tôi có hai cán bộ Hải quân là anh Hà Văn Xá và anh Lưu Đức, đều là người miền Nam tập kết có kinh nghiệm tổ chức vận tải trên biển thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiếp đó, tôi cùng anh Xá và anh Đức đến Sư đoàn 324, Sư đoàn 305 và một số đơn vị thuộc Quân khu Hữu Ngạn cố tìm bằng được một số cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết thạo nghề sông nước để thành lập tiểu đoàn vận tải biển. Thật may là những đơn vị này có nhiều anh em quê Quảng Nam, Quảng Ngãi vốn là ngư dân, nên việc tuyển quân không khó lắm; đặc biệt có hơn một chục người là thành viên của Đoàn 248 vận tải biển của Liên khu 5 thời kỳ kháng chiến chống Pháp; trong số đó có anh Nguyễn Bất và anh Nguyễn Nữ là hai Chiến sĩ Thi đua của Liên khu 5.
Sau khi lực lượng tuyển chọn về tương đối đầy đủ, tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 vận tải đường biển thuộc Đoàn 559 được thành lập, gồm 107 cán bộ, chiến sĩ, hầu hết là đảng viên. Đồng chí Hà Văn Xá được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng. Đồng chí Lưu Đức là Chính trị viên tiểu đoàn. Thành lập vào tháng 7-1959, nên về sau anh em gọi là Đoàn 759 (bên cạnh Đoàn 559 - thành lập ngày 19-5-1959).
Vừa tuyển quân, chúng tôi vừa tổ chức khảo sát các cửa biển ở Quảng Bình, rồi quyết định chọn cảng cá Thanh Khê, cách cửa sông Gianh 4 cây số về phía nam, làm vị trí tập kết của Tiểu đoàn 603. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn 603 được lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Những ngày tiếp đó, các thủy thủ trong vai ngư dân vừa làm lán trại, vừa đóng thuyền và chuẩn bị ngư cụ…
Cái khó phát sinh lúc này là làm sao có được thuyền đi biển giống hệt thuyền đánh cá của ngư dân ven biển Nam Trung Bộ, để địch khó phát hiện. Tôi đã cùng cộng sự lặn lội xuống Phà Rừng - Hải Phòng, vào cả Nghệ An…, tìm thợ đóng thuyền quê Khu 5. Lại một dịp may nữa! Tôi nhớ còn một người bạn thân vốn là thợ đóng thuyền giỏi người cùng quê là anh Phạm Kỳ (anh Mới). Trước đây, anh Kỳ được tôi giác ngộ, giúp đỡ và giới thiệu vào Đảng từ năm 1935. Sau khi tập kết ra Bắc, anh Kỳ chuyển về công tác tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội. Chỉ ít ngày sau khi tôi sang Gia Lâm tìm gặp anh Kỳ và làm việc với Tổng cục Đường sắt, anh được điều động về Tiểu đoàn 603.
Sau hơn hai tháng làm việc hết sức khẩn trương, không kể ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 603 đã dựng đủ lán trại để sinh hoạt tạm thời và đóng hoàn chỉnh hai chiếc thuyền giống hệt thuyền đánh cá của ngư dân Khu 5; mỗi chiếc trọng tải 5-7 tấn.
Có được thuyền rồi, nhưng lại thiếu buồm. Ngư dân Khu 5 không dùng buồm bằng vải như ngư dân nhiều vùng khác. Buồm của họ được kết bằng một loại lá cây (gọi là lá đệm), nhưng khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh không có loại lá này. Buộc lòng chúng tôi phải liên hệ nhờ các anh ở Quảng Trị kiếm cho mấy tấm lá đệm làm buồm và bí mật chuyển qua sông Bến Hải an toàn.
Đến cuối năm 1959, Tiểu đoàn 603 đã có gần hai chục chiếc thuyền với đầy đủ ngư cụ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều có thẻ căn cước giả (có dấu nổi của Tỉnh trưởng Quảng Nam). Vừa hoàn tất công tác chuẩn bị thuyền buồm, chúng tôi vừa tổ chức cho “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” huấn luyện đi biển bằng cách đánh cá dọc ven biển từ cửa Gianh vào Cửa Tùng và vận chuyển hàng hậu cần chi viện cho đảo Cồn Cỏ…
(Còn nữa)
DUY TƯỜNG ghi theo lời kể của Thiếu tướng VÕ BẨM