Từ lâu tôi vẫn canh cánh bên lòng về một bài thơ cảm động, sáng tác cách tròn một hoa giáp, viết về tấm gương anh dũng hi sinh của Phạm Khắc Thiêm, nguyên Chính trị viên Huyện đội Thuận Thành (Bắc Ninh) những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ khá dài, xấp xỉ “Bên kia sông Đuống”. Bài thơ ra đời đã lay động tâm hồn nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và quần chúng cách mạng của thời kỳ máu lửa này. Nghệ thuật gieo vần, chuyển nhịp, lúc năm chữ lúc bảy chữ, khi lục bát, rất linh hoạt; giọng thơ hao hao giống Hoàng Cầm. Không ít người bảo là” thơ Hoàng Cầm”. Nhưng tôi tìm trong các sáng tác của Hoàng Cầm (kể cả tuyển tập) đều không thấy. Hỏi một số anh em cùng hoạt động thời chống Pháp, mỗi người nhớ một vài đoạn, họ bảo có được nghe bài thơ ấy, nhưng nay quên nhiều rồi.
Bài thơ có khổ kết:
“… Anh là chiến sĩ
Đời không biết tên anh
Máu xương anh đã xây thành
Cho sông núi viết nêu danh muôn đời”.
Khổ giữa có những câu đầy hình ảnh, cảm xúc:
“Rừng Tam Á mùi hương cỏ dại
Đồng Xuân Lâm bao cô gái dịu hiền
Chàng trai đẹp văn hoa thôn Ngũ Thái
Sóng dập dờn dòng Nguyệt Đức thân yêu”
Cuối bài nghe xé lòng xé ruột.
Trong buổi giao lưu thơ “Chào mừng 150 năm thành lập huyện Thuận Thành”, khi được mời phát biểu, tôi muốn tìm tòi về bài thơ từ lâu đã chiếm cứ hồn tôi. Thời gian như dòng sông, có thể cuốn trôi nhiều thứ. 60 năm không dài, song có cái rất quý lại lãng quên. Thuận Thành là nơi cửa ngõ Thủ đô, tiếp giáp đường 5, là điểm tựa then chốt giữa Khu 3 – Việt Bắc. Vì vậy, kẻ thù rắp tâm triệt diệt. Thuận Thành gian nan, đen tối lắm. Từ năm 1947 đến đầu năm 1951, hầu hết địch tạm chiếm, nhiều nơi trở thành vùng trắng, nhiều cán bộ đảng viên – kể cả các cơ quan đầu não của huyện phải tạm lánh sang Bắc Phần, đêm đêm mới vượt sông, len lỏi về bám dân bám đất gây dựng phong trào. Kẻ thù gây bao cảnh thê lương, tàn phá bắt bớ, giết hại. Tổn thất hi sinh của ta là rất lớn, rất xót xa; đau thương lắm những cũng kiêu hùng lắm. Anh Phạm Khắc Thiêm, Chính trị viên Huyện độâi và không ít đảng viên, quần chúng trung kiên, đồng bào yêu nước sa vào tay giặc. Đòn thù vô cùng tàn bạo, có thể hủy hoại thể xác con người nhưng không thể làm lung lay ý chí; ngược lại càng nung nấu chí căm thù, lòng quả cảm của những người cách mạng và nhân dân yêu nước. Bài thơ nhanh chóng lan tỏa khắp Thuận Thành và cả tỉnh.
Tôi vừa tâm tình, vừa đọc, dẫu chỉ là những khổ những câu tôi nhớ. Và bày tỏ nguyện vọng mong các nhà thơ, mong… tất cả: Ai biết rõ tác giả và những gì liên quan, ai có thể nhớ toàn bài (hoặc còn bản gốc) xin cho tôi biết (hoặc gửi lên báo), xin cảm tạ.
Khi tôi kể một vài chi tiết và cảm nhận, tôi coi là nền tảng ra đời của bài thơ và đọc, cả hội trường im phăng phắc, nhiều người rơi nước mắt. Ông Lưu Minh Hải, 60 năm tuổi đảng lên bắt tay tôi và hứa sẽ tìm tác giả; một số người khác nói rằng có biết, có nghe, nhưng đáng tiếc là không ai nhớ toàn bài, không ai khẳng định tác giả.
Ở đời có những điều kỳ lạ. Cái tưởng như không thể lại hóa ra có thể. Cái có ở ngay bên mình lại vô tình không biết, cứ mải miết kiếm tìm tận đâu đâu.
Một hôm tôi đang nghe buổi “Thơ và cuộc sống” thì anh cả tôi – ông Hoàng Đình Chiến, năm nay vừa khao thọ 80, lọ mọ bước vào. Ông này chẳng bao giờ nói chuyện văn chương, thậâm chí chẳng muốn nghe. Ông thuộc lớp người “cổ”, “chỉ có” 8 đứa con, nhân đôi thành 16, gần ba chục cháu, nên nói chuyện về cái cần câu cơm là rôm rả nhất, chuyện văn chương có vẻ xa lạ.
Tôi bỗng thở dài: “Chán quá. Có cái cần nhớ mà cả huyện quên”. “Nhớ cái gì”, ông cả hỏi, tôi đã định lảng. Nhưng lại buột miệng: “Em đang đi tìm tác giả bài thơ từ ngày kháng chiến mà khó quá”. Vẻ trầm ngâm, ông bảo: “Hay là bài Thuận Thành đau thương và anh dũng?”. “Vâng, trong bài thơ có câu ấy”, mắt tôi sáng lên, hy vọng. “Thử đọc nhá”. “Vâng! Bác đọc đi”; thế là ông cụ đọc:
“Anh sống đời cán bộ.
Cơm no đói thất thường
Sớm chiều lo chạy giặc
Đêm sương ngủ màn sương
Anh thương xót bến đò Hồ đục nước
Tháp chùa Dâu đổ nát
Đồâi Kim Tháp điêu tàn
Anh rơi lệ nhớ nhung khu Ái Quốc
Xóm Thanh Bình, phố Lạc Thổ tàn hoang
Và từ đấy anh xông pha hoạt động
Nuôi căm thù trong quần chúng nhân dân
Tạm xa lánh cuộc đời thơ mộng
Sống cuộc đời tranh đấu nặng gian nan
Thế rồi anh quả quyết
Coi nhẹ kiếp gió sương
Ôm nặng thù vạn kiếp
Anh dấn bước trên đường
Lòng anh trĩu nặng tình thương
Thương dân đói rét ruộng vườn xác xơ
Thương đàn em bé ngây thơ
Thương mẹ già đêm thức chờ anh
Thương thuyền Tổ quốc điêu linh…”.
Đọc đến đây ông cụ lặng đi rồi khóc.
Tôi trấn tĩnh: hay. “Thương thuyền Tổ quốc điêu linh” hay, bác đọc tiếp đi!”.
“Anh ấy chết thảm lắm. Anh Phạm Khắc Thiêm, Chính trị viên Huyện đội đấy. Hồi ấy, những trận đánh diệt tề, trừ gian, phục kích, gây cho địch tổn thất nặng nề. Bọn bốt Hồ, bốt Đậu cay lắm. Khi chúng bắt được anh Thiêm, biết đấy là người chỉ huy Việt Minh tài giỏi, dụ dỗ chán không được, chúng tra tấn anh man rợ lắm. “Hồn anh mãi mãi còn cao cả/ Tên anh muôn thủa chẳng phai tàn…”. Bài thơ của Nguyễn Vinh, Trưởng ban thông tin huyện (đã mất). Còn dài. Tôi mừng quá”. Thế thì đúng rồi. Ai ngờ bác nhớ được”. Ông cụ nói: “Phạm Khắc Thiêm tài hoa lắm. Giỏi lắm, đầy ắp nghĩa tình với lính, nói hay lắm. Sao hồi ấy cán bộ họ nói hay thế, bây giờ thì… Ôâng cụ mỉm cười ái ngại. Trước trận đánh mà ông Thiêm nói chuyện thì ai cũng hừng hực, sục sôi ý chí, muốn xung vào mũi đánh tung thâm, nghĩa là đánh vào sâu, phát triển, sục sạo, tiêu diệt đến cùng. Anh ấy mất, cả huyện thương tiếc. Nguyễn Vinh sáng tác bài thơ hôm đến đọc trước đại đội tôi, hầu như tất cả đều khóc. Nguyễn Vinh mắt sâu, lông mày sâu róm, miệng rộng, đọc mà như khóc: “Đường sự nghiệp anh tung hành tiến bước/ Trong gian lao kinh nghiệm anh trưởng thành/ Rủi một phút sa cơ anh thất thế/ Súng hung tàn đã cướp mất đời anh…”.
Không phải chúng bắn. Anh tự sát. Anh muốn cho chúng biết thế nào là gan người chỉ huy quân cách mạng. Anh nhặt đâu được chiếc đũa rồi mài nhọn, nhằm đúng yết hầu mình.
Ông cụ lại sụt sịt khóc, rồi nói giọng nghiêm chỉnh: “Lúc ấy có phong trào tự sát. Khi bị bắt, nhiều người tỏ ra khí phách anh hùng: Tự sát! Thuận Thành mấy chục người tự sát chứ ít đâu. Sau T.Ư mới có chỉ thị uốn nắn, đại thể: Tự sát là sai. Cuộc chiến còn lâu dài, gian kho,å bị bắt bị tra trấn có thể chết, nhưng không có nghĩa là đã hết thời cơ. Về mặt sỹ khí là dũng cảm, cao đạo. Nhưng mặt khác có thể coi là biểu hiện của sự hèn yếu, không dám đương đầu với cực hình. Về sau hiểu ra, hành động này đỡ hẳn.
Hai anh em ngồi lặng lẽ, cảm xúc dâng đầy. Xót thương người đã khuất. Kính phục nhà thơ. Sao thân phận kiếp người lại khổ đau đến thế! Vùng đất Thuận Thành văn hiến này biết bao người gái đảm, xinh đẹp, “cười như mùa thu tỏa nắng” (Hoàng Cầm). Biết bao trài tài “Người anh hùng vượt sóng trùng dương” (Nguyễn Vinh). Tấm gương Phạm Khắc Thiêm và các chiến sĩ cách mạng đã ngấm sâu vào lòng dạ quân dân Thuận Thành, ắp đầy tình thương yêu kính phục, để nhà thơ thổn thức tiếng lòng, lấy tiếng thơ khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù, vẫy gọi sự tự nguyện dấn thân.
Tôi vẫn biết anh cả trước là bộ đội C121 Thuận Thành nhưng không thể ngờ 60 năm qua, cái ông chẳng bao giờ nói chuyện văn chương lại nhớ bài thơ đến thế. Thì ra trong lòng người lính năm xưa ấy vẫn có thơ, đúng hơn là những tấm gương trong, những nét đẹp của cuộc đời vẫn hàm chứa trong ông. Ông bảo khi Nguyễn Vinh đọc xong bài thơ, Huyện đội trưởng Phạm Minh Hà mệnh danh “Con hùm xám” Thuận Thành hô: Nghiêm! Kiên quyết trả thù cho anh Phạm Khắc Thiêm! Cả đại đội hô “Kiên quyết” 3 lần, hùng tráng lắm; sau đó nhiều người đã thuộc bài thơ này.
Tôi viết đôi dòng dâng tặng bạn đọc. Tỏ lòng thương quý Phạm Khắc Thiêm cùng bao người con oanh liệt của đất Thuận Thành. Tỏ lòng trân trọng, tri ân bài thơ cảm động, tâm huyết, mang đậm chất anh hùng ca của nhà thơ Nguyễn Vinh quá cố.
H.T