Vào một đêm cuối tháng, trăng đã treo trên ngọn núi, dòng sông Lam lấp lánh những ánh sao. Trăng xuống thấp dần, trên bến sông vẫn nhộn nhịp tiếng hát hò của đoàn nữ TNXP đi mở đường. Bỗng nghe trên bến vọng xuống tiếng hò rất trẻ của cô gái:
Gần chùa chẳng được ăn xôi
Gần nhau chẳng được đứng ngồi bên nhau
Chúng tôi chưa kịp đối lại thì vẫn cái giọng vừa ngọt ngào mà đanh đá ban nãy, lại cất lên:
Trèo lên cây bưởi ngắt bòng
Không đi bộ đội đừng hòng lấy em.
Cuối tiếng hò là những giọng cười khúc khích đầy vẻ chiến thắng và nghịch ngợm của các cô gái. Nhưng rồi, sau những câu đối đi đối lại, các cô gái đã biết chúng tôi là bộ đội cầu phà từ ngoài Bắc mới vào. Và có lẽ người con gái có giọng hò trong trẻo ấy đã phát hiện chúng tôi có tiếng nói của miền trung du đất Tổ, nên lại cất cao giọng lém lỉnh, tò mò:
Có ai quê ở Phú Tho (Thọ)
Quê hương xứ sở rừng co (cọ) đồi chè.
Bấy giờ tôi mừng nhảy cẫng lên, vì chắc chắn đó là người đồng hương Phú Thọ với mình và cô gái ấy chắc chắn là người hay chữ hay thơ. Tôi hứng khởi đối ngay:
Quê anh quê của Bút Tre
Hẹn ngày chiến thắng nhớ ghe (ghé) thăm nhà
Qua mấy câu hò đã khích lệ tôi và người con gái ấy chạy ào đến ôm chầm lấy nhau nhận đồng hương. Chúng tôi ngồi bên nhau ríu rít tâm tình và hẹn nhau sáng hôm sau gặp lại trước cửa hang núi Quyết ở ngay bên bờ Bến Thủy. Nhưng vừa dứt lời hẹn ấy thì những loạt bom khủng khiếp của máy bay giặc Mỹ bất ngờ đến đánh phá bên sông. Tôi bị thương ở đầu, ở mặt, cô gái ấy không ngần ngại giật phăng mảnh áo đang mặc băng bó cho tôi, rồi mọi người đưa tôi lên chiếc xe cứu thương chuyển đi. Sau đó ít ngày, trước khi vào Nam chiến đấu, tôi đem theo mảnh áo ấy trở lại Bến Thủy sông Lam tìm lại người con gái đã băng bó vết thương cứu tôi, nhưng không gặp. Ở đây kể lại: Cô gái ấy là nữ tiểu đội trưởng Thùy Liễu, đã hành quân vào sâu trong chiến trường rồi…
Bẵng đi mấy chục năm trời, gần đây báo chí đăng tin một nhà sư có tấm lòng từ thiện, hay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là cho các cháu tật nguyền vì chất độc da cam. Với lòng cảm phục, tôi tìm đến ngôi chùa đó với ý định lấy thêm tư liệu để viết tin, bài. Chắc là thấy tôi chân tình kể về thời trẻ cũng đã xông pha trên tuyến đường Khu 4, rồi vào Nam chiến đấu cho đến ngày giải phóng, nhà sư chân thật bộc bạch:
- Thời con gái tôi cũng đi TNXP phục vụ tuyến lửa ở Khu 4.
Tôi gợi chuyện:
-
Hồi ở Khu 4, nhà sư có ở Bến Thủy, sông Lam không? Ngày đó chắc có nhiều kỷ niệm lắm.
-
Mô phật! Tôi ở Bến Thủy có vài đêm thôi, rồi lại đi sâu vào chiến trường. Giá đêm ấy không có trận bom khủng khiếp ở Bến Thủy, sông Lam thì có lẽ sáng hôm sau tôi giữ được lời hẹn với một người đồng hương hay hò, hay hát để vào thăm hang núi Quyết. Nhưng anh ấy bị thương ở đầu, ở mặt nặng lắm, tôi phải xé mảnh áo để băng vết thương cho anh. Mô phật! Chả biết anh ấy có sống được không?
Tôi bàng hoàng xúc động, bặm chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Đúng là Liên của tôi hôm ấy đây rồi. Nhưng sao lại đến nông nỗi này. Liên ơi! Biết nói với Liên thế nào bây giờ. Như sợ chạm đến nỗi đau của Liên, tôi không dám hỏi thêm và cũng không dám nói ra sự thật: “Người ấy chính là tôi”. Từ hôm đó, tôi thấy lương tâm cứ dày vò day dứt mãi. Có lẽ tôi phải đến ngôi chùa đó để nói lại với Liên là tôi vẫn còn giữ mảnh áo ấy dù Liên vui hay buồn, như thế lòng tôi mới được thanh thản!...
LÊ VĂN THỤC