Thủ tướng Nhật - Kishida Fumio (bên phải) và Thủ tướng Australia - Scott Morrison trong lễ ký thỏa thuận RAA (trực tuyến) ngày 6-1.
Trong thế giới hiện đại, từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến nay, các liên minh an ninh, quân sự liên tục được hình thành. Bên cạnh các nhóm như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hiệp định an ninh tập thể (OTSC)…, các quốc gia còn ký kết các hiệp ước phòng thủ chung song phương tạo thêm khả năng răn đe quân sự với các đối thủ. Tách mình ra khỏi cách đi truyền thống này, Nhật Bản tự tìm cho mình hướng hợp tác mới khi tổ chức cũng như hoạt động quân sự của đất nước “mặt trời mọc” bị hạn chế bởi nhiều luật lệ và quy định từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Mới đây nhất, ngày 6-1, Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio và người đồng cấp Australia - Scott Morrison đã ký một thỏa thuận về việc tạo điều kiện các các hoạt động huấn luyện chung nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Theo đó, thỏa thuận mang tên “Tiếp cận đối ứng” giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JFDS) và Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF), đồng thời giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa. Hai nước nhất trí rằng mỗi quốc gia sẽ giữ quyền tài phán khi điều quân tham gia các nhiệm vụ chung, nhưng nước chủ nhà sẽ có quyền tài phán nếu các binh sĩ phạm tội khi không thi hành công vụ. Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí thành lập một ủy ban chung để thảo luận chi tiết về cách thức thực hiện thỏa thuận, chẳng hạn như dẫn độ những đối tượng phạm tội.
Như vậy, Lực lượng phòng vệ của Nhật Bản và Australia giờ đây đã có quy chế hợp tác rõ ràng hơn về chức năng quản lý, chỉ huy trong các hoạt động quân sự chung. Nói cách khác, nếu trong tình huống tác chiến, chỉ huy của Nhật Bản hoặc Australia được tập trung quyền lực, chỉ huy nhóm tác chiến liên quân của hai nước. Bởi tầm quan trọng của thỏa thuận mới được ký kết này, Thủ tướng Kishida khẳng định: “Đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đưa hợp tác an ninh Nhật Bản - Australia lên một tầm cao mới”. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison đánh giá rằng thỏa thuận này sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng hơn giữa lực lượng quân đội và an ninh hai nước.
Không chỉ ký thỏa thuận với Australia về “Tiếp cận đối ứng”, trước đó, một thỏa thuận tương tự cũng được ký kết giữa Nhật Bản và Mỹ. Tham vọng của Nhật Bản là đạt được một thỏa thuận tương tự với Anh và Pháp khi Tokyo đã khởi động các cuộc đàm phán với London vào tháng 10-2021 và đàm phán không chính thức với Paris tháng 12-2021.
Nhìn từ Nhật Bản có thể thấy đất nước “mặt trời mọc” có các liên kết an ninh chằng chịt với nhiều quốc gia trong khi nỗ lực tăng cường năng lực phòng vệ của mình. Thế nhưng, mở rộng ra ở tầm khu vực mới thấy các liên minh mới được hình thành nâng cao sự gắn kết và hoạt động thực chất hơn bao giờ hết. Đơn cử, với việc ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Mỹ và Australia, nhóm Bộ Tứ (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ được củng cố hơn nhờ các nhánh hợp tác quốc phòng song phương. Liên minh an ninh ba bên AUKUS gồm Australia, Anh, Mỹ được hình thành giữa tháng 9-2021 cũng có những thỏa thuận tăng cường năng lực quốc phòng cho Australia mang tính đột phá khi cam kết đóng cho Australia ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Việc các nước ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng để tăng cường năng lực phòng thủ của mình vốn là điều bình thường từ trước tới nay. Thế nhưng, trước những diễn biến mới của tình hình quốc tế và khu vực, việc hình thành Bộ Tứ hay Bộ Tam, được tăng cường bởi các thỏa thuận hợp tác song phương mạnh mẽ, lại là tín hiện đáng lo ở Đông Á khi chiến lược ngoại giao, an ninh, quốc phòng mới của nhiều quốc gia đều có cụm từ “Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”. Lo ngại là hoàn toàn có cơ sở bởi các nước chỉ tăng cường an ninh, rộng mở hầu bao hơn cho lĩnh vực quốc phòng khi có các mối đe dọa về an ninh. Mối đe dọa đó có thể xuất phát từ các tổ chức khủng bố hoặc từ phía các quốc gia là “đối tượng tác chiến” hoặc bởi thực tế là tình hình an ninh khu vực có dấu hiệu bất ổn. Do đó, các liên minh, hợp tác quốc phòng kiểu mới là điều cần thiết với các quốc gia trong khu vực để bảo đảm lợi ích, chủ quyền của mình không bị xâm hại nhưng cũng là xu hướng cảnh báo cho các vấn đề quốc phòng - an ninh đang nóng lên ở Đông Á.
Thanh Huyền