Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống. Những ngày này, tiếng chiêng, trống vang xa thúc giục, điệu múa Sa-ri ka-keo lắc lư, nhạc ngũ âm quyến rũ... như mời gọi cùng về đây, chia sẻ.

Có lẽ chưa năm nào bà con Khơ-me các phum sóc ở ĐBSCL đón lễ Sen-đôn-ta lại sung túc, phấn khởi như năm nay. Niềm vui đón lễ phảng phất trên gương mặt bà con “được mùa, trúng giá”, mọi nhà, mọi người phấn khởi, làm cho khung cảnh phum sóc thêm tưng bừng náo nhiệt, vững bước trên con đường đổi mới. Những năm qua, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khơ-me trên địa bàn: Chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; các chương trình 135, 134; chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách trợ giá, trợ cước và các chương trình, dự án khác của Chính phủ... đời sống vật chất và tinh thần của người Khơ-me được cải thiện.

Về xã Lai Hòa, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi có trên 80% dân số là người dân tộc Khơ-me sinh sống, bà con đón lễ Sen-đôn-ta sung túc, hồ hởi. Mùa vụ tiến triển tốt đẹp, cùng với hàng loạt chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ngày một hiệu quả hơn, đã tạo sự chuyển biến lớn về đời sống và tinh thần bà con nơi đây. Anh Ong Quốc Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, đã xây dựng được 266 căn nhà 167, giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ cho các đối tượng với số tiền trên 5 tỷ đồng; giải quyết việc làm được 580 lao động, đạt hơn 100% kế hoạch năm; mở được 8 lớp đào tạo nghề, xuất khẩu lao động được 6 người… góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân”. Nhờ sự tích cực của các cấp uỷ, chính quyền nên tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn bằng mức trung bình của huyện và tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm xuống nhanh chóng.

Ngoài ra, các chính sách về trợ giá, trợ cước cũng đã giúp cho bà con dân tộc nghèo bớt những khó khăn từng bước ổn định đời sống. Gia đình chị Thạch Thị Dal, ở ấp Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là một trường hợp như vậy. Chị Dal tâm sự: “Trước đây, gia đình tui nghèo lắm, mỗi khi trời mưa, nhà dột khắp nơi. Nhờ chính sách hỗ trợ xây nhà cho những gia đình khó khăn, gia đình tui mới có căn nhà đẹp như thế này. Kinh tế gia đình cũng khá lên nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, các con của tui đều được đến trường. Gia đình tui rất cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm đến hộ nghèo dân tộc như chúng tôi”.

Với đồng bào Khơ-me ở Sóc Trăng, vui nhất lễ Sen-đôn-ta năm nay là hầu hết các phum sóc đã có điện, đường ô tô chạy thẳng về tới xã, tới ấp. Tiếp xúc với chúng tôi, CCB Thạch Khâm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi cho biết: “Đảng và Nhà nước lo cho đồng bào Khơ-me nhiều lắm, nhờ đó bà con đã có cái ăn no bụng, có cái chữ, biết áp dụng KHKT vào sản xuất, còn xây nhà cho người nghèo đang bức xúc về nơi ở, hỗ trợ vốn vay… Rồi đây bà con nơi này sẽ khá lên là chắc chắn”.

Không giấu được niềm vui trước sự đổi mới của quê hương, CCB Hứa Hoàng Gởi, Phó bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang phấn khởi nói: “Vĩnh Viễn có diện mạo như hôm nay là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền địa phương và nhân dân trong xã. Đẩy mạnh chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi làm cuộc sống của nhân dân đi lên, nhà nhà có của ăn, của để”.

Về với đồng bào Khơ-me ở ĐBSCL trong dịp lễ Sen-đôn-ta cổ truyền năm nay, là đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Từ người già đến trẻ đều xênh xang áo mới. Các cô gái mặc sà-rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng phật. Các chàng trai mang các đạo cụ phục vụ lễ hội vừa đi vừa múa trống sa-dăm rộn rã cả vùng quê… Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người Khơ-me miền sông nước Cửu Long.

Bài và ảnh: Phương Nghi