Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết T.Ư thăm khám cho bệnh nhân H.M.T.
Bệnh nhân H.M.T (28 tuổi, đến từ tỉnh Phú Thọ) bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) typ 1 vừa nhập viện Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong tình trạng loét hoại tử bàn chân trái vô cùng nghiêm trọng sau khi tự ý đắp lá chữa bệnh.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân phát hiện ĐTĐ typ 1 cách đây 12 năm khi mới 17 tuổi, hiện đang điều trị insulin, tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị insulin theo đơn từ trước đó rất lâu.
Trước khi vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gãy xương. Sau vài ngày vết thương ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác. Mặc dù xuất hiện tình trạng trên nhưng bệnh nhân đã không tới bệnh viện để khám và kiểm tra ngay mà tự ý ở nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến cho tình trạng vết thương ngày càng nặng hơn.
Khi thấy cơ thể ngày càng mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Tại đây, trước tình hình diễn biến nặng của bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Nội tiết T.Ư.
Tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết T.Ư, bệnh nhân được cấp cứu trong trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, cơ thể mệt mỏi, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao trên 38 độ C. Bệnh nhân có vết loét tại vị trí mu bàn chân trái, sưng nóng đỏ, kích thước lớn, sâu, vết thương hoại tử lan rộng gần hết mu chân, lan tỏa xuống gan chân, chảy dịch hôi thối...
Thạc sĩ, bác sĩ Tôn Thất Kha - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết T.Ư nhận định: Đây là ca bệnh có diễn biến rất nặng do nhập viện muộn. Hiện tại, bệnh nhân đang trong tình trạng sức đề kháng yếu, sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng. Dù có được điều trị tích cực thì nguy cơ phải cắt cụt chân ở ca bệnh này vẫn rất cao.
“Chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc mà người bệnh ĐTĐ đã tự điều trị tại nhà bằng phương pháp đắp các loại thuốc lá vào vị trí xây xát khiến cho vết thương lan rộng nhanh chóng, dẫn đến việc phải cắt cả bàn chân, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng” - Bác sĩ Tôn Thất Kha cho biết.
Lời khuyên của bác sĩ
Bác sĩ Tôn Thất Kha khuyến cáo: Đối với những người đang mắc ĐTĐ cần thường xuyên tái khám, điều trị đơn thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện các vết xây xát trên cơ thể không được tự ý điều trị tại nhà mà người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chân.
Thành An