Chòi nuôi dơi được ông Sáu thiết kế cao khoảng 10m, hình lục giác, có treo nhiều lá dừa để dơi về làm tổ và ngủ ngày.
Ông Nguyễn Văn Sáu (60 tuổi) ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thu lợi đơn, lợi kép từ loài dơi đã giúp gia đình ông Sáu có nguồn thu mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng.
Nuôi dơi-loài thú biết bay thức về đêm săn muỗi, ông Nguyễn Văn Sáu (60 tuổi) ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thu lợi đơn, lợi kép khi vừa tiết kiệm tiền mua phân bón cho vườn cây ăn trái, vừa có thêm thu nhập từ loại phân “vua”. Loài dơi đã gián tiếp giúp gia đình ông Sáu có nguồn thu mỗi năm từ 2-3 tỷ đồng.
Nhà ông Sáu có 13ha đất vườn trồng cây ăn trái, chủ yếu là bưởi, quýt, chôm chôm… Đã 3 năm nay, nhờ đầu tư làm mô hình nhà nuôi dơi lấy phân mà ông tiết kiệm được tới vài trăm triệu đồng tiền phân bón cho cây trồng
Nguyễn Văn Sáu ở ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai với mô hình nuôi dơi lấy phân hiệu quả. Ông Sáu cho biết, trong các loại phân hữu cơ, ông chưa thấy loại phân nào cực tốt đối với cây trồng như phân dơi bởi phân dơi có rất nhiều chất dinh dưỡng, vì thế nhiều người gọi phân dơi là "phân vua". Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Ông Sáu cho biết, ông vốn là người gốc miền Tây, mưu sinh bằng nghề mua bán hoa quả. Không có đất sản xuất nông nghiệp, tuổi trẻ của ông là những năm tháng buôn bán ngược xuôi khắp chốn, nhưng thâm tâm ông vẫn không thôi khao khát có riêng cho mình một mảnh đất trồng cây ăn trái để gắn bó khi có tuổi về già.
Như một mối duyên, ông vô tình gặp và quyết định ở lại với mảnh đất huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. 15 năm thấm thoắt trôi qua, không biết bao nhiêu giọt mồ hôi mặn mòi đổ xuống để giờ đây ông có thành quả là vườn cây trái xum xuê, tươi tốt.
Vườn cây ăn trái của gia đình ông Sáu rộng 13ha, trồng các loại chôm chôm, cam, bưởi...Vườn cây ăn trái này tươi tốt, cây khỏe là bởi ông Sáu bón phân dơi Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Dẫn PV Dân Việt đi thăm quan vườn cây ăn trái, ông Sáu hồ hởi kể: “Trước tui ở dưới miền Tây nhiều dơi lắm, nó bậu hàng đàn trên mấy cây dừa nhưng cũng chẳng ai để ý đến. Chỉ biết là phân nó rất tốt, bón tới đâu cây phát triển tốt vù vù tới đó. Thành thử lên đây mình lấy kinh nghiệm bón phân dơi đó mình làm 3 chuồng thử nuôi dơi xem thế nào”.
Suốt mấy tháng liền, ôngSáu hì hụi dựng chòi cao lênh khênh để thu hút dơi về làm tổ ngay trong vườn cây. Chuồng nuôi dơi gồm có 6 trụ, làm theo hình lục giác cách mặt đất khoảng 10m, mặt dưới chuồng treo sẵn lá dừa để ban ngày dơi bám vào ngủ. Đêm xuống, từng đàn dơi vỗ cánh phành phạch trên không trung và bay đi khắp nơi săn bắt mồi là muỗi, các loại bò rầy...
Theo lão nông U60, nuôi loài "ngủ ngày cày đêm" này không tốn thức ăn hay công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên giặt, rửa và thay lá dừa mới để những con dơi đã ở không thấy dơ mà bay đi, còn thu hút thêm những con dơi mới thì về làm tổ.
Trong vườn cây ăn trái của nhà ông Sáu có khoảng 50.000 con dơi. Mỗi ngày đàn dơi thải ra ít nhất 10 kg phân. Với mức giá phân dơi trung bình hiện nay là 80.000 đồng/kg, tính riêng doanh thu từ phân dơi ông Sáu đã có 800-900 nghìn đồng/ngày. Tuy vậy, ông cũng thực thà chia sẻ, phân dơi thu được vẫn ưu tiên dùng cho vườn cây ăn trái của gia đình là chủ yếu, dư thì mới bán cho khách hàng quen.
“Dơi là kẻ thù số một của muỗi và côn trùng gây hại, nên con người bớt được nguy cơ mắc bệnh dịch còn cây trồng cũng sẽ đỡ đi được rất nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Vậy nên nuôi loài loài dơi này không chỉ để lấy phân mà còn lợi đủ đường đó chứ”, ông Sáu hồ hởi chia sẻ.
Thật vậy, trước khi chưa có dơi về ở thì vườn cây ăn trái mỗi tháng ông Sáu phải xịt thuốc trừ sâu, rầy ít nhất là 4 lần. Ban đêm gia đình phải mắc mùng mới ngủ yên. Từ khi có chòi nuôi dơi thì bọ trĩ, sâu rầy, ruồi vàng, muỗi.. không còn hoành hành mặc dù hơn cả tháng vườn cây không xịt thuốc. Ban đêm ngủ cũng không cần mắc màn vì muỗi hầu như không còn.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dơi của mình, ông Sáu cho biết, dơi sợ nhất là bị động ổ. Nếu động ổ chúng sẽ bỏ đi. Vì vậy ban đêm khi đàn dơi bay đi kiếm ăn thì người nuôi phải thay lá treo thật nhanh trước khi đàn dơi trở về. Ngoài ra, dơi cũng không ưa gió nên chuồng trại phải che chắn kỹ, mùa nóng thì nên dỡ bớt lá cho thoáng mát.
Phân của dơi được khoa học chứng minh là tốt nhất trong các loại phân hữu cơ, có dồi dào chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây trồng. Tác dụng của chúng không phải điều xa lạ nhưng do hiếm nên hiện nay nhiều nhà vườn không có để sử dụng.
Riêng gia đình ông Sáu vừa chủ động được nguồn phân bón hữu cơ tốt, tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ mà bưởi, quýt, chôm chôm… cũng cho trái ngon, ngọt hơn, năng suất hơn nên năm nào cũng đều đặn có doanh thu 2-3 tỷ đồng từ vườn trái cây.
"Tuy nhiều điểm tốt là vậy nhưng ông Sáu cũng than thở, ngày càng có nhiều “dơi tặc” khiến cho số lượng dơi bị thuyên giảm, không còn nhiều nhiều như trước. Người ta dùng dơi mồi hoặc thu âm tiếng dơi sẵn có rồi dụ dơi bay tới là dùng vợt bắt tức thì.
Dơi bán giá cũng rất rẻ, chỉ chừng vài ba ngàn/con nhưng vẫn khó thoát khỏi bàn tay của những kẻ rình mò chuyên đi vợt trộm về bán cho các quán để làm... mồi nhậu...", ông Nguyễn Văn Sáu.