Lái xe công nghệ là một phần lao động phi chính thức đang xuất hiện ngày một nhiều trong đời sống xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I-2021 là 57,1%, cho thấy khu vực phi chính thức có sự đóng góp lớn đối với nền kinh tế trong nước, nhưng chính sách an sinh xã hội dành cho nhóm lao động yếu thế này chưa đủ mạnh. “Đây là đối tượng chịu nhiều rủi ro, tác động nhất, là lực lượng vất vả nhất, đồng thời là người thụ hưởng ít nhất. Thông qua dịch Covid-19 vừa rồi thấy rõ điều đó. Người khó khăn nhất cũng là lực lượng lao động này” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung nhận xét.

Ở Việt Nam, số liệu thống kê về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, nhưng không thể phủ nhận các hoạt động kinh tế phi chính thức ở Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp. Hoạt động kinh doanh cá thể quy mô nhỏ rất sôi động, đang len lỏi ở mọi ngõ ngách, có mặt trong hầu hết các hoạt động thường nhật của cuộc sống kinh tế - xã hội.

Việc làm phi chính thức là việc làm không có bảo hiểm xã hội (đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc) và không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên. Ở Việt Nam, hầu hết các việc làm thuộc khu vực kinh tế phi chính thức được coi là việc làm phi chính thức. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp lách luật để né tránh đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như Grab - một Công ty công nghệ cung cấp dịch vụ vận chuyển và một số HTX vận tải. Với danh nghĩa là “đối tác” của Grab, khoảng hơn 120.000 tài xế xe máy, ô tô, hằng ngày phải tuân thủ các chỉ dẫn của Grab về phân chia “cuốc” chạy, về xử lý kỷ luật lao động, cũng như về an toàn, đồng phục, giờ giấc…, thường xuyên đối diện rủi ro trên đường nhưng hầu hết không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Có thể thấy rằng, Grab đang kinh doanh thu lợi nhuận, nhưng trách nhiệm an sinh xã hội lại đẩy cho Nhà nước - đây là lỗ hổng pháp lý cần được quản lý chặt chẽ để ngân sách không bị thất thoát.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, nhưng trong quý I-2021, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 971.000 người, tăng hơn 143.000 người so với quý trước và tăng gần 79.000 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn ra phức tạp sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Không kỹ năng nghề nghiệp, đa phần không tham gia tổ chức đoàn thể nào nên người lao động phi chính thức phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Tại điểm nóng dịch tỉnh Bắc Giang, hàng nghìn công nhân lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thu Minh, thuê nhà tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam cho biết: “Từ đầu năm, tôi xin nghỉ làm tại khu công nghiệp chuyển sang bán quần áo. Từ khi khu vực bị phong tỏa, cấm mở bán hàng, chồng tôi là công nhân trong Khu công nghiệp Quang Châu phải nghỉ việc. Bình thường, chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, ăn uống và chi trả tiền học cho con. Vài bữa nữa không biết sống ra sao?!”.

Làm thợ may tại một xưởng tư nhân, chị Đỗ Thị Tuyết (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghỉ việc hơn 1 tháng nay do không có đơn hàng. Kinh tế gia đình giờ chỉ trông vào đồng lương ít ỏi làm bảo vệ chung cư của chồng. “Hai vợ chồng và 3 đứa con đang tuổi ăn học chỉ gói gọn trong 6 triệu đồng lương của chồng. Tôi chỉ mong hết dịch để có công, có việc” - chị Tuyết cho biết.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2021 tăng 1,27% so với tháng 12-2020 và tăng 2,70% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó đồng nghĩa với đời sống của người lao động nói chung và người lao động thuộc khu vực phi chính thức ngày càng khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Dẫu biết khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng lớn nhất trong tình hình hiện nay, nhưng sự hỗ trợ cho họ mới chỉ là rất nhỏ so với khó khăn họ gặp phải. Vì vậy, chính sách đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức cần được thiết kế phù hợp hơn với cơ chế vận hành của thị trường với những giải pháp dài hạn trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Hồ Thanh Hương