Già làng Điểu Nắng (thứ hai từ trái qua) biểu diễn cồng chiêng.

Thật hiếm có một địa danh nào lại đặt tên cho một người đang còn sống. Nhưng chuyện này lại có thật khi chúng tôi đến Đồn biên phòng Tà Nốt (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước). Anh em ở đây giới thiệu: “Trên địa bàn chúng tôi quản lý có một sóc được đặt tên cho một già làng từ rất lâu rồi, đó là sóc Ông Nắng”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, Thiếu tá, Chính trị viên Trịnh VănVũ của đồn đã mời mọi người lên xe để đến thăm nhà già làng Điểu Nắng ngay.

Buổi sáng ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh nắng vàng như tơ tằm. Mới đến đầu sóc, chúng tôi đã nghe tiếng cồng chiêng ngân nga, vang vọng. Âm thanh của cồng chiêng làm cho một dải biên cương càng thêm rộng dài, linh thiêng. Các chiến sĩ nói với tôi: “Đó là tiếng cồng chiêng của già làng Điểu Nắng đấy”.

Nghe giới thiệu nhiều về ông, nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được tiếp xúc với một cụ ông người dân tộc S’Tiêng đã hơn 93 tuổi. Ánh mắt sáng ngời trên gương mặt quắc thước, thân hình ở trần vẫn rắn chắc như cây gỗ lớn giữa rừng, già làng Điểu Nắng vẫn hừng hực sức sống giữa miền biên ải. Gặp Bộ đội Biên phòng ông cười vang. Tiếng cười như khúc dạo đầu trong nhịp điệu cồng chiêng rộn rã mừng một mùa bội thu.

Những năm tháng chống Mỹ, chàng trai Điểu Nắng muốn đi bộ đội để được cầm súng diệt giặc, nhưng cán bộ cách mạng khuyên: Nuôi giấu cán bộ, tiếp tế và chỉ đường cho bộ đội đánh giặc, vận động đồng bào phản đối Mỹ - ngụy cũng là người chiến sĩ. Nghe lời, anh cùng vợ đào mấy cái hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Điểu Nắng vận động dân làng chịu khó trồng mì, ngô, khoai, nuôi heo, gà để có lương thực, có thịt cho cán bộ ăn và tiếp tế cho bộ đội. Đôi chân của Điểu Nắng còn băng rừng, lội suối dẫn đường cho cán bộ tránh giặc truy lùng và chỉ đường cho bộ đội chống càn, đánh đồn.

Miền Nam được giải phóng, ông Điểu Nắng đưa vợ con đến Lộc Thiện định cư. Yêu quý bộ đội từ những ngày đánh Mỹ, nên ông cũng yêu quý các con bộ đội ở Đồn Tà Nốt. Trong chiến tranh, ông đã được nghe kể nhiều chuyện về Bác Hồ. Ông đã khóc khi biết Bác luôn hướng về miền Nam, mong bà con các dân tộc được ấm no, hạnh phúc. Ông đã bỏ ăn và khóc ròng cả tháng trời khi hay tin Bác mất. Có người đã nói với ông: “Bác Hồ giờ đi xa lắm rồi”, nhưng ông chỉ thẳng tay vào ngực trái của mình nói rằng: “Bác đang ở trong tim…”.

Già làng Điểu Nắng.

Đại gia đình của ông Điểu Nắng luôn coi Đồn Biên phòng là nhà, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là anh em, con cháu. Dù cuộc sống có thế nào, người S’Tiêng và BĐBP vẫn thương yêu nhau như ruột thịt. Ông dạy con cháu phải coi BĐBP như ruột thịt. Có như vậy mới bảo vệ được thôn sóc, bảo vệ được đất đai của mình, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp.

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Tội ác của bọn diệt chủng chồng chất cả một dải biên cương, trong đó có biên giới của huyện Lộc Ninh. Lòng căm thù quân xâm lược lại sôi lên trong huyết mạch của người đàn ông S’Tiêng. Đưa vợ con và dân trong sóc đi tránh giặc, ông Điểu Nắng và những thanh niên trai tráng quay lại biên giới cùng BĐBP đào hào chiến đấu. Người S’Tiêng bảo vệ, giúp đỡ bộ đội bằng cách vào rừng đào củ chụp, củ mài, bẫy con thú, ra suối bắt con cá về cho bộ đội ăn để anh em có sức đánh giặc. Ông đánh giặc bằng ý chí, bằng lòng căm thù. Vì thế, ông sẵn sàng băng rừng, lội suối, vượt nương, cùng bà con nuôi bộ đội, cứu chữa thương binh cho đến ngày biên cương sạch bóng giặc. Và cũng vì nể trọng, tin tưởng ông Điểu Nắng, mà người S’Tiêng nơi đây đã đổi tên sóc của mình từ sóc Bưởi, thành sóc Ông Nắng.

46 năm đóng quân trên địa bàn xã Lộc Thiện, nhiều lần Đồn Tà Nốt phải chuyển địa điểm, nhưng đồn cứ chuyển đến đâu, già làng Điểu Nắng lại đưa bà con theo đến đó. Già làng bảo: “Người S’Tiêng với BĐBP ở đây như răng với môi, như da với thịt, như cây với cành, nên không thể tách rời được”. Những năm 1980, cuộc sống cả nước cũng như ở vùng biên giới huyện Lộc Ninh rất khó khăn. Gia đình già làng Điểu Nắng có 30 công đất để cấy trồng, chăn nuôi, nhưng chỉ giữ lại 10 công trồng lúa, mì lấy lương thực nuôi vợ con, còn 20 công ông cho BĐBP mượn để tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Đôi chân trần, tấm lưng trần của già làng còn đạp cỏ cây rừng, dẫm trên đá nhọn dưới suối, tắm nắng cao nguyên để cùng các con biên phòng đi tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc. Vì thế, anh em đã ví già làng như “lão chiến sĩ biên phòng” giữa đại ngàn, giờ đây ai cũng gọi ông là “Bố Nắng”.

Già làng Điểu Nắng thuộc từng gốc cây, vạt cỏ, góc thôn của mình. Chỉ cần đường biên có dấu hiệu bị xâm nhập, xâm canh, xâm cư; phum sóc có người lạ vào tuyên truyền đạo giáo trái phép, hay trộm cắp là ông biết liền và lập tức báo ngay cho các con biên phòng để đấu tranh, ngăn chặn và bắt giữ kịp thời. Một lần kẻ xấu vào sóc truyền đạo trái phép và xúi giục bà con vượt biên lúc nửa đêm, do trời mưa mà không gọi điện thoại được, già làng đã đi xe máy lên tận đồn báo tin cho các con biên phòng tới bắt giữ mới yên tâm về ngủ. Ông muốn mỗi nhà dân như một chốt biên phòng, mỗi người S’Tiêng trong sóc đều là một chiến sĩ.

Giờ đây tuổi đã cao, nhưng nhà nào thiếu giống, thiếu tiền già làng Điểu Nắng đều giúp ít nhiều, ai bị bệnh già làng chạy lên đồn Tà Nốt gọi quân y xuống. Bà con sóc Ông Nắng khoe với tôi: “Chả ai giàu bằng già Nắng đâu”. Mà ông giàu thật. Không chỉ giữ nguyên được căn nhà sàn bằng gỗ quý, có nhiều chiếc cồng, chiêng quý, mà già làng còn gìn giữ được cái hồn của người S’Tiêng. Đó là văn hóa truyền thống, là nếp sống gia đình. Hơn một giờ nói chuyện với già làng Điểu Nắng, tôi như thấm đẫm cái tình, cái nghĩa của người S’Tiêng đối với Đảng, với Bác Hồ và với BĐBP, đồng thời cũng thấy được ý chí phấn đấu của đồng bào trong xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp giàu phía cuối đại ngàn. Trước khi chia tay, tôi nói vui với già làng: “Bây giờ có người làm nhà to, mời về T.P Đồng Xoài, hay T.P Hồ Chí Minh ở, già làng có đi không?”. Ông cười và bông đùa lại: “Nếu BĐBP Đồn Tà Nốt về, mình sẽ về theo”.

Già làng Điểu Nắng là vậy. Với ông, nếu còn sức lực ngày nào, là đem nó ra để bảo vệ biên cương, thôn sóc và giúp đỡ bà con, giúp đỡ bộ đội ngày ấy. Ông mong sau này mình mất đi, cái nghĩa, cái tình của người S’Tiêng vẫn được lưu giữ và phát huy mạnh mẽ, để cho vùng biên giới Lộc Thiện ngày càng giàu đẹp, yên bình và phát triển với thời gian.

                                                    Phi Hùng