“Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” - câu ca dao nói về nỗi gian khổ, vất vả của người nông dân “một nắng hai sương” để làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống xã hội đang trở thành vấn đề thời sự của cộng đồng giữa thời buổi đại dịch Covid-19 hoành hành.

Từ khi T.P Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố bị đứt gãy; nhiều chợ đầu mối ngừng hoạt động đã gây nên tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm thiết yếu. Trong tình hình đó, những gia đình có điều kiện, có kho chứa và tủ lạnh cỡ lớn đổ xô mua sắm tích trữ từ các siêu thị. Các hộ nghèo, những người lao động tự do, các mái ấm tình thương, cơ sở chăm sóc người cơ nhỡ... lâu nay có thói quen mua lương thực, thực phẩm theo ngày; giờ lại càng lao đao do hàng hóa trên các kệ hàng, siêu thị trống rỗng...

Đại dịch Covid-19 khoét sâu thêm “vết thương” chênh lệch thu nhập, làm rõ hơn những mặt trái của cơ chế thị trường. Nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy, toàn hệ thống chính trị quyết tâm “không để ai bị tụt lại phía sau”. Quyết tâm ấy, khẩu hiệu ấy đang được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Trước hết là những giải pháp chỉ đạo của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền ở cơ sở đang “đi từng nhà, rà từng người” nhằm phát hiện những người cần hỗ trợ, kiên quyết không để ai lâm vào tình trạng thiếu đói. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Truyền thống nhân ái, nghĩa tình đồng bào đang được bừng dậy, lan tỏa. Những phong trào quyên góp, ủng hộ lương thực, thực phẩm để hỗ trợ T.P Hồ Chí Minh được phát động và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Trong từng gia đình, sáng kiến chi viện lương thực, thực phẩm cho người thân tại T.P Hồ Chí Minh cũng đang được nhân rộng. Trong cộng đồng, những mô hình đã phát huy tác dụng trước đây như “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”... đang tiếp tục mở rộng hoạt động.

Một mô hình khác, Foodbank Việt Nam (tạm dịch: Ngân hàng thức ăn Việt Nam) du nhập từ ngoài vào, là mô hình tổ chức phi lợi nhuận do doanh nhân Nguyễn Tuấn Khởi sáng lập, cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động. Tổ chức này xác định hai sứ mệnh lớn: Một là chống lãng phí thực phẩm. Hai là không để ai bị đói. Sâu xa hơn, Foodbank Việt Nam muốn lan tỏa thông điệp tiết kiệm thực phẩm, chống lãng phí trong xã hội, nhất là trẻ em. Với quan niệm tiết kiệm nguồn thực phẩm dư thừa từ các nhà hàng, siêu thị, thậm chí một quả bí hư cũng có thể cắt bỏ phần hỏng, sử dụng phần còn dùng được để chế biến thức ăn cho người nghèo... Foodbank Việt Nam đã huy động được sự ủng hộ của nhiều đối tượng, thu được hàng trăm tấn thực phẩm mỗi tuần để chia sẻ đến những người đang cần. Đây là mô hình ngoại nhập, bản thân Foodbank Việt Nam cũng phấn đấu được kết nạp làm thành viên Foodbank toàn cầu; nhưng nỗ lực của Foodbank cùng cách làm tương đối phù hợp với Việt Nam đáng được khuyến khích và nhân rộng.

Trong “nguy” có “cơ”. Khó khăn của thế giới và của chính Việt Nam cho chúng ta thấy Việt Nam vẫn còn nhiều may mắn. Vốn là đất nước nông nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ về lương thực, thực phẩm trước những diễn biến an ninh phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều trên bình diện toàn cầu. Chúng ta tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, nhưng khi tình hình có những biến động lớn như xảy ra đại dịch Covid-19, sự tự chủ bảo đảm đời sống, nhất là lương thực, thực phẩm là yếu tố rất căn cốt để giữ vững độc lập, chủ quyền. Chính vì vậy, từ trong đại dịch, chúng ta cần sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả lương thực, thực phẩm. Hiện nay, tình trạng nông sản dư thừa, thị trường tiêu thụ không hết đang gây ra tình trạng tiêu cực ở nhiều vùng nông thôn. Những cánh đồng khoai lang, những cánh đồng dưa hấu, thanh long, những ruộng rau bạt ngàn không ai thu hoạch do giá quá rẻ mạt... là một vấn đề gây lãng phí nghiêm trọng. Nên chăng, Nhà nước cần hình thành một doanh nghiệp công hoặc có chính sách khuyến khích hình thành các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng mua lại nông sản dưa thừa, để tích trữ và phân phối đến những nơi cần hơn. Có như vậy,  đời sống nông dân bảo đảm mà xã hội không bị lãng phí nguồn lực. Đó cũng là tiềm lực của đất nước để ứng phó với những tình huống khó khăn, cấp bách.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy” - câu ca dao ấy, giờ đây không chỉ giáo dục ý thức trân trọng công sức lao động của người nông dân, mà còn là lời nhắc nhở những chính khách, những nhà làm chính sách, phải hành động để tiết kiệm mọi nguồn lực xã hội, sử dụng có hiệu quả vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Hà Thanh

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)