Marco công tử tuy trẻ người nhưng khét tiếng là một tay chơi sành điệu, thâu đêm suốt sáng nhẵn mặt ở những quán rượu, phòng trà bậc nhất xa xỉ. Nói chung, người phương Đông quen gọi những kẻ ham chơi phóng túng vượt thoát khỏi sinh hoạt bình thường mang phong độ du canh du cư có đôi phần du đãng này là lãng tử.
Chuyến đi của chàng lãng tử trẻ là một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Thứ nhất, nó kéo dài gần 25 năm và độc đáo được giáp mặt với những vị đế vương huyền thoại, ví như Hốt Tất Liệt chẳng hạn. Thứ hai, nó đã để lại cho hậu thế những trang du ký (đã có bản Việt ngữ của NXB Văn Hoá TT - 2008) trác tuyệt đầy những khám phá tỉ mỉ bất ngờ, rồi từ đó khơi lên những ngọn gió lồng lộng giang hồ đang trì trệ chết dần trong sâu thẳm tâm hồn của đám đàn ông đã quen với việc đi du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Có thể nói, kể từ sau khi có đốm lửa Polo (cùng bao nhiêu những ngọn đuốc trí tuệ rực rỡ khác) phương Tây đã dò dẫm bước ra khỏi đêm dài Trung Cổ rồi bừng sáng hung hăng tìm kiếm chinh phục các thế giới mới lạ, trong đó đáng kể là châu Mĩ, châu Phi và Ấn Độ. Những đô đốc vĩ đại kiểu như Columbus, những thuyền trưởng lỗi lạc kiểu như Magellen, tất tật đều có xuất xứ là những tay lãng tử, mà ở thời gian yên ổn hiếm hoi họ thường chúi mũi vào cuốn sách để đầu giường đã nát "Polo du ký".
Nhiều từ điển của tiếng Việt giải thích lãng tử là "kẻ thích cuộc sống nay đây mai đó". Học giả Đào Duy Anh sau khi kê cứu một loạt những từ có chữ "lãng" như lãng du, lãng đãng, lãng nhân, lãng mạn..., thì cho "lãng tử" là loại người "du đãng vô nghiệp", tiếng Pháp viết thành chữ "vagabond". Một học giả giỏi gần gần bằng cụ Đào có chú thêm rằng, cái từ "ma cà bông" mà người Việt quen gọi bọn con trai hư hỏng chính là do đọc trại từ chữ Tây có nghĩa mất dạy này.
Ngày xưa, không những ở thời Pháp thuộc mà đến khi ở cả thời bao cấp, nếu gã đàn ông nào nhỡ bị xem là ma cà bông (thỉnh thoảng chữ này còn đi với ma cà chớp. Chịu, không lý giải được) thì đức hạnh hiển nhiên là đáng nghi ngờ lắm. Vào những năm tem phiếu, cuộc sống còn tràn đầy khó khăn, cứ đến những ngày nghỉ lễ lớn thì chính quyền địa phương vốn hay cẩn thận về an toàn trật tự lại tập trung bọn ma cà bông để riêng vào một chỗ. Tất nhiên, trừ một số đúng là tội phạm kiểu như trộm cắp vặt, thì phần lớn ma cà bông chỉ là những gã thanh niên chưa kịp có công ăn việc làm, đã thế lại còn để tóc dài, móng tay dài; những buổi chiều tàn thu mưa phùn ẩm ướt nghêu ngao ôm ghita rưng rưng hát những bài tiền chiến có lời anh ơi em ơi. Ở hồi đó loại nhạc vàng này là biểu hiện của lối sống không lành mạnh.
Một ma cà bông, bây giờ cũng già rồi có con trai là tiến sĩ có con gái là kỹ sư, ngồi hiền lành nhớ lại những năm tháng khốn đốn chỉ vì trót tụ tập bạn bè be bé thầm thì hát nhạc Đoàn Chuẩn. Khi đất nước thống nhất, được thả xuống ga Hàng Cỏ, ông ta ôm mặt nức nở tủi thân khóc. Phía bên kia vỉa hè là một gánh hát rong có hai tay trai trẻ tóc dài đang nỉ non qua một cặp loa to tướng oang oang gào bài "Gửi gió cho mây ngàn bay".
Ở Nhật Bản, lãng tử (còn trân trọng được gọi lãng sĩ hoặc lãng nhân) đôi khi là những võ sĩ cao quý, sau khi bị đám Shogun tước bỏ danh xưng do sơ xuất phạm một lỗi nho nhỏ nào đấy, họ đành phải phiêu bạt giang hồ.
Lãng tử đích thực thường bị đám đông nồng nhiệt yêu đạo đức cố tình hiểu nhầm. Bởi lẽ khi ứng xử với Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, lãng tử tuy vẫn chân thành tuân thủ nhưng luôn tự nhiên thành thực phóng khoáng không thích cao đạo ràng buộc. Trong 108 anh hùng Lương Sơn bạc, chỉ duy nhất có một lãng tử Yến Thanh. Giống như Marco Polo, Yến Thanh xăm trổ đầy người, suốt ngày rong chơi, thế nhưng khi có đại sự, anh ta bỗng âm thầm hiển lộ như một đại hào kiệt. Tận trung với chủ, tận nghĩa với bạn, không tham bạc vàng, sẵn sàng xả thân vì người khác.
Tinh thần vị tha là đặc điểm dễ nhận nhất ở các chân chính lãng tử. Lệnh Hồ Xung trong bộ tiểu thuyết lừng danh "Tiếu ngạo giang hồ" là một con người như vậy. Lệnh Hồ lãng tử chỉ trọng tình nên giao du rộng rãi, bất cần đấy là chính hay tà, dân hay quan, đại đạo hay đại hiệp. Trót mang trái tim mênh mông nồng hậu, nên chỉ cần làm được chút ít cho người khác hạnh phúc là chàng lập tức hy sinh bất chấp thân mình. Thuỷ chung trong tình yêu, tín nghĩa với bằng hữu, ở chàng còn phảng phất một sự nhẫn nại cao thượng của Giê Su Cờ Rít. Bị tát má trái, âm thầm vị tha chìa nốt má phải. Không phải ngẫu nhiên, đa phần đám lãng tử đều thích rượu. Có lẽ khi bôi rượu vào các vết tát, những cay đắng xót xa cũng có đôi phần tự dịu đi chút ít.
Ở ngày hôm nay, nếu chỉ nghe mồm thì lạc quan vẫn thấy lãng tử còn đông lắm. Bọn họ nhan nhản xuất hiện trong những tua du lịch dư dật đẫm đầy tiện nghi.
Sau khi nốc hết nửa thùng bia, bọn họ quên hẳn vợ hiền con ngoan đi cùng đang nằm ở phòng bên, thăng hoa tự nhận mình là tay chơi phiêu lãng xem mọi thứ vật chất trên đời chỉ là phù du. Nửa đêm lạ nhà sực tỉnh, hì hục mò laptop chếch lại chứng khoán, chợt tái mặt khi thấy giá cổ phiếu thê thảm tụt. Tự nhiên bỗng bần thần hối hận là đã bốc đồng đi theo cái tua vớ tua vẩn này.
N.V Nguyễn Việt Hà