Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, thông qua Nhà xuất bản Giao thông vận tải, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình biên soạn, xuất bản “Chiến sĩ Trường Sơn quê Lúa” tập II.
Cuốn sách gồm 148 bài thơ, 15 bài ký, 2 bản nhạc; trong đó có 15 tác phẩm viết tại chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa 44 năm. Chiến trường xưa đã thay bằng nhiều công trình kiến trúc hiện đại, rừng đã xanh lại…, nhưng nỗi đau chiến tranh còn rớm máu trong lòng…! Tác phẩm “Chiến sĩ Trường Sơn quê Lúa” ghi lại dấu ấn lịch sử của đất nước không thể nào quên. Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát triển đến tột đỉnh để giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối. Hy sinh xương máu lớn lao không kể xiết, gian khổ vượt qua đến vô cùng tận…, nhưng hào khí văn chương không bi lụy. Tinh thần ấy xuyên suốt từng trang sách.
Tác giả tác phẩm là những người lính cựu Binh đoàn Trường Sơn: “Đất nước chiến tranh, chúng ta là người lính/ Đất nước hòa bình, chúng ta là Cựu chiến binh/ Cựu chiến binh huyền thoại/ Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ!…/ Đội ngũ Trường Sơn - Binh đoàn hùng mạnh/ Đồng đội Trường Sơn nhiều binh chủng hợp thành: Lái xe, công binh, giao liên, bộ binh/ Xăng dầu, cao xạ, thông tin, hậu cần…!” (Trường Sơn với dân tộc anh hùng - tr105).
Tác phẩm “Chiến sĩ Trường Sơn quê Lúa” được thể hiện bằng thơ, bằng văn xuôi bởi những cây bút nghiệp dư nhưng đậm nét chuyên nghiệp. Nó mang đặc trưng của ký, giao thoa giữa thi pháp văn học và thông tấn. Viết về những sự kiện thông qua tâm hồn từ người thực việc thực. Sự chân thực thể hiện sự bắt đầu của người trong cuộc. Mỗi tình tiết, sự kiện…, được các tác giả trực tiếp chứng kiến và ghi lại với xúc cảm sâu sắc của mình, nên có sức lay động lòng người.
“Đất nước đã hòa bình thống nhất, những người còn sống như chúng ta, những người lính sau cuộc chiến đều phải trân trọng cuộc sống hôm nay, ghi nhớ công ơn của những người đã nằm xuống vì sự trường tồn của dân tộc. “Xin hát về người, Đất nước ơi/ Xin hát về mẹ, Tổ quốc ơi!” (Lời chia sẻ - tr.31). Từ sự chia sẻ đó, chúng ta: “Bỏ qua sầu muộn ưu phiền/ Nén nhang đỏ giữa nỗi niềm người xưa!” (Đến chùa Hương gặp bạn Trường Sơn - tr.59).
Trần Đỗ Liêm - cựu TNXP Đại đội 442 (Thái Bình) một doanh nhân thành đạt, nói hộ chúng ta về sự hy sinh lớn lao của đồng đội Trường Sơn: “Hơn bốn mươi năm sương nhòa trên tóc/ Thời gian gặm nhàu thịt da, hút khô nước mắt/ Mà nỗi chia lìa cứ đeo đẳng khôn nguôi/ Sáng thu nay từ bốn phương trời/ Đồng đội cũ trở về nơi xuất phát/ …, vẫn còn thiếu…/ Đồng đội đang nằm đâu/ Rừng Trường Sơn hay nơi đất bạn?/ Nơi ấy chắc giờ lạnh lắm/ Sương giăng đồi nước đỏ khe sâu?.../ Người thợ rừng đốn cây xin cho đổ nhẹ/ Cầu mong lưỡi cày khai hoang đừng xuyên xé/ Những thi hài đồng đội dưới sâu/ Bùn loang với máu còn hằn…/ Cho tôi nói lời chân thành nhất/ Đến muôn đời chúng ta vẫn là đồng đội/ …là chiến sĩ Trường Sơn” (Muôn đời đồng đội - tr.119).
Đồng đội Trường Sơn, những người còn đang sống đến hôm nay, mỗi người ở một hoàn cảnh, vị thế khác nhau, nhưng cùng chung một thuở Trường Sơn lửa đạn. Đó là đội ngũ cán bộ Hội: Phạm Ngọc Sơn, Tạ Thị Hạnh. Là Phạm Thị Phàn lái xe suốt 5 năm ở Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ Pôn-zốt; là nữ CCB Trung đoàn ô tô vận tải 13 Anh hùng Lại Thị Hồng quê xã Trọng Quan, Đông Hưng: “Mười tám tuổi em vào Trường Sơn…/ Làm nuôi quân, chắp cánh những đoàn xe/… Có ai ngờ chất độc da cam…/ Nước mắt chảy…,chảy hoài khô kiệt/ Bóng đen bao trùm, em về lại quê hương/…/ Dẫu mù lòa nhưng con tim còn lửa/ Để tâm hồn em mãi mãi sáng trong” (Lê Trần Bách - Đôi mắt nữ đồng đội - tr.21). Đó là CCB Nguyễn Thanh trở thành Nhà giáo, Trưởng khoa Hán Nôm trường Đại học Tổng hợp, nhà quản lý văn hóa TDTT- Du lịch tỉnh Thái Bình, nhà nghiên cứu lịch sử của quê hương (Kỷ niệm về một bài báo - tr.310). Đó Trần Thị Chung - chiến sĩ quyết thắng cựu lính Trường Sơn quê Thái Bình đã trở thành một doanh nhân có tầm có tâm, xứng danh người lính Cụ Hồ (Truyện Kiều với nữ chiến sĩ quyết thắng Sư đoàn 471 - tr.316). Đó là Phạm Thị Mỵ từng đảm nhiệm nhiều chức trách ở Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam và tỉnh Thái Bình đã trở thành một doanh nhân có đức, có tài (Chuyện của Mỵ - tr.298).
Là Anh hùng Phạm Văn Sức (Đại bàng Trường Sơn - tr.255). Và còn nhiều bài thơ, truyện ký viết về những gương sáng Bộ đội Trường Sơn trên chiến trường cũng như trong thời bình xây dựng đất nước.
CCB Trường Sơn - nguyên Phó bí thư Thành ủy Thái Bình, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Thái Bình cảm kích, tự hào về những đóng góp lớn lao và sự hy sinh vô bờ bến của quê hương mình: “Thái Bình quê tôi - Mảnh đất địa linh nhân kiệt/ Hơn hai trăm mốt nghìn người lên đường đánh giặc/ Hơn năm mươi mốt nghìn người con anh dũng hy sinh lẫm liệt/ Hơn ba mươi hai nghìn người là thương binh các loại/ Hơn hai mươi nghìn người bị phơi nhiễm chất độc da cam/ Hơn năm nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng mất chồng mất con đặc biệt/ Không gia đình nào, không họ tộc nào không có công với nước” (Nghĩa tình Thái Bình - tr.180). Có người ví “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” như một tượng đài về Bộ đội Trường Sơn được dựng lên bằng tình cảm, sự trân trọng, tri ân: “Đất nước hôm nay và muôn đời hậu thế/ Mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn/ Những anh hùng liệt sĩ Trường Sơn” (Viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - tr.213.
Với tất cả sự ngưỡng mộ, biết ơn những cống hiến, hy sinh lớn lao và tâm hồn thấm đẫm văn chương của những người lính Trường Sơn, xin trân trọng giới thiệu “Chiến sĩ Trường Sơn quê Lúa” tập II đến bạn đọc.
Nguyên tiêu Kỷ Hợi - 2019
Đỗ Lâm Hà