Đúng vậy, tuy sống ở TP Hồ Chí Minh nhưng ông luôn hướng về người dân nghèo ở những vùng đất ông từng chiến đấu thời đánh Mỹ và làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Khác với số đông người thường trở về chiến trường xưa là để tham quan mảnh đất mình chiến đấu, CCB Nguyễn Văn Hồng trở về là thực hiện những chương trình có hiệu quả góp phần giúp đỡ cuộc sống đồng bào nghèo.
Sau chuyến đi về huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tặng xe đạp cho các học sinh nghèo, gặp chúng tôi, ông tâm sự: “Tôi lại thấy mình khỏe ra. Con người ta khi làm việc có ích cho người khác thì tinh thần, sức khỏe tốt hơn lên”.
Ông có gương mặt hiền lành, chất phác của người sinh ra lớn lên ở vùng quê xứ Nghệ, nụ cười cởi mở. Mà cuộc đời chiến sĩ trải qua rất nhiều gian khổ, thời đánh Mỹ, ông là chiến sĩ rồi trưởng thành cán bộ của Trung đoàn 31, Quân khu 5, từng quần thảo với những đội quân thiện chiến của Mỹ-ngụy ở vùng Hoài Nhơn (Bình Định), mấy lần bị thương, điều trị xong ở trạm xá dã chiến là ông lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Trong ông, mãi mãi còn những kỷ niệm về sự nuôi nấng của đồng bào, gương chiến đấu của du kích địa phương, đặc biệt là đội nữ du kích Hoài Nhơn chiến đấu ngoan cường, đánh tan những trận càn hung bạo của quân thù.
Năm 2007, ông đã về tỉnh Bình Định, ủng hộ tiền để làm 2 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Năm 2011, ông tặng 10 suất học bổng cho sinh viên Trường đại học Quy Nhơn. Gần đây, ông về tỉnh Đồng Nai, nơi Binh đoàn Cửu Long chiến đấu tặng cho một thương binh 40 triệu để xây dựng nhà. Đó là việc làm thiết thực nhất.
Trong lúc chuyện đang vui, tôi hỏi:
Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn vừa qua, anh đã góp 10 triệu đồng vào chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Tại sao trong lúc hầu hết mọi người đi du xuân, chúc tụng nhau anh lại có việc làm khác mọi người như vậy?
Ông cười:
- Sống ở TP yên bình, tôi cũng như thảy mọi người luôn nhớ tới bộ đội ta đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo, đặc biệt là ở Trường Sa. Nhất là lúc tết đến, xuân về, nỗi nhớ da diết hơn. Trong hoàn cảnh đất nước thanh bình, nhưng bộ đội ta vẫn phải chịu đựng gian khổ, thiếu thốn tình cảm gia đình, chòm xóm. Vậy thì phải đền đáp công ơn ấy như thế nào đây? Ý nghĩ ấy luôn đến với tôi. Vậy là tôi xin góp một khoản tiền nhỏ như là để mừng tuổi, lì xì các anh vậy mà.
Chúng tôi được biết số tiền ủng hộ đó chính là tổng số tiền ông góp được từ tiền bán cuốn hồi ký “Giữa hai trận tuyến”. Cuốn sách này là những ghi chép của ông về những ký ức chiến tranh. Vốn với ý định viết ra cho con cháu trong gia đình đọc, để thế hệ sau biết được thế hệ ông đã sống và chiến đấu như thế nào khi đất nước bị họa xâm lăng. Nhưng rồi, một ông bạn là nhà văn xem và thấy đó là tư liệu lịch sử những trận đánh qua nhân chứng là người trong cuộc nên khuyên ông in ra cho mọi người cùng đọc. Sách ra mắt, bạn bè ông mua cho đơn vị, cơ quan, gia đình, góp lại cũng được chục triệu đồng, ông lấy đi ủng hộ Trường Sa hết.
Khi chúng tôi gặp, ông và vợ đang chuẩn bị về quê để cứu trợ đồng bào ở quê ông huyện Hương Sơn vừa trải qua trận bão lũ lớn, xã Sơn Phúc của ông cũng bị thiệt hại nặng. Dự tính chuyến đi dài ngày của vợ chồng ông để góp kinh phí giúp nhân dân đang sống cảnh màn trời chiếu đất.
Bài và ảnh: Ánh Tuyết