Công việc hằng ngày anh Nguyễn Văn Đính chủ yếu là uốn sửa công phu từng cây cảnh.
Xuất thân là người lính từng được tôi luyện, trưởng thành trong quân ngũ, trở về, doanh nhân CCB Nguyễn Văn Đính (ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) luôn nỗ lực lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên làm giàu từ nghề trồng cây cảnh. ở làng Cái Mơn (huyện Chợ Lách) thủ phủ hoa, cây cảnh Tây Nam bộ.
Là người sinh ra và lớn lên ở làng hoa cây cảnh truyền thống Cái Mơn, anh Đính có dịp giao lưu, học hỏi với nhiều nghệ nhân cây cảnh lão thành. Vì vậy anh rất “ham” với loại hình nghệ thuật này. Không giống như các nhà vườn khác trồng đa dạng nhiều loại hoa, cây cảnh, anh Đính chỉ đầu tư một số chủng loại có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây cảnh phục vụ Tết. Hiện anh tận dụng 20 công đất vườn để trồng vạn niên tùng, nguyệt quế, mai vàng và một số cây quý hiếm khác.
Anh Đính cho biết: “Mai vàng, vạn niên tùng và nguyệt quế là những loại cây quý hiếm. Theo quan niệm của nhiều người, cây cảnh càng lâu năm càng có giá trị. Hơn nữa, người Việt chơi cây cảnh rất tinh tế, thường chọn những cây có giá trị nghệ thuật và mang ý nghĩa tâm linh như vạn niên tùng loại cây sống ngàn năm; nguyệt quế có hương thơm thanh khiết; mai vàng loài hoa biểu tượng của mùa xuân… Do vậy, các loại cây này còn gọi là cây phong thủy nên ngày Tết ai cũng muốn có một vài cây trước sân nhà để cầu tài, cầu lộc”.
Tính đến nay anh đã sở hữu trên 50 cây vạn niên tùng, giá từ 50-200 triệu đồng/cây và vài chục cây nguyệt quế, mai vàng, giá bình quân từ 10-70 triệu đồng/cây. Ngoài ra trong vườn còn hàng nghìn cây cảnh trung và nhỏ được uốn sửa công phu.
Anh Đính chia sẻ: “Kinh doanh cây cảnh rất có lời với điều kiện người trồng phải nắm vững kỹ thuật, nhạy bén với thị trường và dám mạnh dạn đầu tư. Điều quan trọng nhất là phải biết đánh giá cây “xem tướng cây” đẹp hay xấu để khi mua về, sau một thời gian o bế, uốn sửa cây nâng lên một giá trị mới, có thể vốn một lời mười. Ngược lại, nếu mua nhằm cây xấu, thân suôn đuột, bộ rễ lỏng lẻo, rời rạc không có “đường binh” coi như cầm chắc thua lỗ. Cách đây 4 năm tôi mua 5 cây nguyệt quế chỉ với vài chục triệu đồng, sau một thời gian chăm sóc, uốn sửa, Tết này bán được gần 300 triệu đồng”.
Khi nhắc tới Nguyễn Văn Đính, người đồng đội CCB, tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách nhận xét: “Anh Đính là người rất đam mê cây cảnh và bản lĩnh như anh mới mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị năng suất cao. Có thể nói anh Đính là CCB vừa năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vừa bản lĩnh, làm ăn chân thật nên được nhiều khách hàng tín nhiệm”.
Hiện nay, anh ứng dụng khoa học công nghệ vào vườn cây cảnh. Toàn bộ diện tích trồng đều có gắn hệ thống phun tưới tự động nên đỡ tốn nhân công. Trong vườn anh vẫn nuôi cỏ để giữ độ ẩm cho cây, hằng tháng dùng máy cắt cỏ làm sạch vườn và lấy cỏ làm phân bón. Đối với những cây to thay vì cần đến 5-10 người khiêng, anh chỉ dùng cần cẩu nên đỡ tốn công lao động rất lớn.
Chủ tịch Hội CCB huyện Chợ Lách, đồng chí Nguyễn Văn Thuận cho biết: “Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, CCB Nguyễn Văn Đính sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật trồng cây cảnh cho hội viên CCB và người dân trong xã cùng áp dụng để đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, anh tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, vận động những hội viên khác cùng tham gia xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương; đóng góp các quỹ “Vì người nghèo”, “Phòng chống lụt bão”, “Đền ơn đáp nghĩa”…; anh còn là hội viên nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, kêu gọi hội viên giữ gìn vệ sinh đường phố, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên được nhiều người tin tưởng, yêu quý”.
Thanh Phận