Ra ngõ gặp tỷ phú!

Đến xã Nam Thịnh, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà cao tầng, biệt thự xây theo kiểu kiến trúc hiện đại mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm không còn đường đất như trước; “bê tông hóa” gần 100%. Hỏi thăm nhà tỷ phú, một anh nông dân nhoẻn miệng cười với chúng tôi: “Nếu những người có tiền tỷ trong tay thì xã tôi bây giờ không dưới một trăm người”. Vừa nghe xong lời giới thiệu, chúng tôi như không tin vào tai mình. Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi tìm đường đến UBND xã. Ông Trần Mạnh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh thản nhiên cho biết: “Xã tôi tỷ phú nhan nhản ấy mà”. Rồi ông Dũng đọc cho chúng tôi nghe danh sách một loạt hộ gia đình có tài sản hàng tỷ đồng. Chúng tôi hỏi danh sách những hộ có trên chục tỷ đồng, ông Dũng kể được hơn 10 hộ…

Mới ngoài tuổi 30 nhưng gia đình chị Lý Thị Dung ở thôn Quang Thịnh đã có trong tay tài sản trên chục tỷ đồng. Chị bắt đầu nuôi ngao từ năm 1999 nhưng kể từ năm 2002, con ngao mới bắt đầu cho lãi. Năm 2003, cơn “đại tang ngao” tràn về, gia đình chị đã thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Hiện, tổng diện tích bãi ngao của gia đình chị Dung là 26 ha. Để phủ kín diện tích này, chị đã phải đầu tư gần 10 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2010, chị đã cho xuất bán hơn 100 tấn ngao thịt và thu được hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 900 triệu đồng. Nếu cứ giữ giá ngao như hiện nay, khi thu hoạch hết lượng ngao trên diện tích 26 ha của gia đình chị Dung, con số lãi chục tỷ đồng là trong tầm tay. Chị Dung chia sẻ: “Sau thời gian nuôi ngao thịt và ngao giống, tôi nhận thấy để con ngao phát triển ổn định cần có bãi đẹp, bằng phẳng, giống ngao phải rõ nguồn gốc và có chất lượng; thời tiết cũng là yếu tố rất quan trọng vì nóng quá ngao sẽ chết vì nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao…”.

Không những người dân, cả cán bộ xã cũng tranh thủ nhận hàng héc-ta bãi bồi để nuôi ngao. Anh Trần Văn Xương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thịnh có 4 ha đất bãi. Năm ngoái, anh đầu tư 670 triệu đồng để mua ngao giống về thả. Tháng vừa rồi, anh đã thu được 90 tấn ngao/2ha, trừ chi phí còn lãi khoảng 800 triệu đồng. Không những làm giàu, hiện anh đang nuôi hai con học đại học. Một em học Đại học Bách khoa Hà Nội và một học Học viện Tài chính.

Ngoài chị Dung, anh Xương, những tỷ phú ở xã Nam Thịnh còn phải kể đến gia đình các anh Bùi Văn Hà, Bùi Văn Thái, Nguyễn Văn Vinh, Phan Văn Quyền… Những hộ này hiện tài sản lên cả chục tỷ đồng. Năm nay, hầu hết các gia đình có diện tích nuôi ngao từ 2 ha trở lên đều thu lãi từ 800 đến 4 tỷ đồng.

“Canh bạc” với biển cả

Không chỉ Nam Thịnh, hầu hết người dân các xã ven biển ở huyện Tiền Hải đều có một vụ ngao thắng lợi. Xã Đông Minh có 7,5km bờ biển với 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Năm 2009, tổng giá trị sản xuất của xã là 130 tỷ thì giá trị nuôi ngao đã chiếm tới 90% tổng giá trị. Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Minh khẳng định, cả xã có khoảng 25 chiếc ô tô, trong đó có một vài người dân đã sắm những chiếc xe ô tô đắt tiền như Camry.

Vụ ngao vừa rồi, ông Lại Thế Lân ở thôn Minh Châu (xã Đông Minh) đã đầu tư 700 triệu đồng cho tổng diện tích 2 ha đất bãi. Khi ông Lân xuất bán, giá ngao ở mức 19 nghìn đồng/kg, ông thu được 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, giá ngao đã lên 23 – 24 nghìn đồng/kg, ông Lân vẫn còn tiếc rẻ vì bán quá sớm.

Theo ông Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh, hầu hết các gia đình có diện tích nuôi ngao đều dám nghĩ, dám làm. Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng nhưng nếu ngao chết thì sẽ mất trắng, còn sống thì sẽ có hàng tỷ đồng trong tay. Năm nay, tuy có một lượng nhỏ ngao bị chết do nắng nóng nhưng ông Dũng khẳng định, khoảng 90% các hộ nuôi ngao có lãi. Tính đến thời điểm này, hộ có lãi cao nhất có thể lên đến 5 tỷ đồng. Xã Nam Thịnh có 1.625 hộ, với tổng diện tích là 830 ha (trong đó, bãi triều là 4.000 ha). Năm 2010, tổng giá trị sản xuất của xã lên đến 222 tỷ đồng, so với 2005 tăng 3,92 lần. Thống kê của UBND xã cho thấy thu nhập bình quân của người dân ở đây lên đến 34 triệu đồng/người/năm.

Con ngao đem lại hiệu quả kinh tế rất cao là điều không phải bàn nhưng bên cạnh đó, cũng chính con ngao đã dẫn đến bao hệ lụy ở đây. Ông Dũng cho rằng, những năm gần đây tình hình an ninh trật tự ở địa phương rất phức tạp bởi địa bàn là nơi giao lưu, tập trung của nhiều người buôn bán, nhiều thành phần ở các tỉnh khác nhau nên khó quản lý, việc tranh chấp bãi ngao, nạn ăn cắp, chích hút… đang diễn ra thường xuyên ở đây.

Người nuôi ngao cho rằng, xác định nuôi ngao là xác định mạo hiểm, là chơi “canh bạc” với biển cả. Vì có khi “ném” xuống biển hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhưng người nông dân có thể mất trắng trong chốc lát. Việc các khu công nghiệp ở hai ven dòng sông Hồng và Trà Lý thường xuyên xả thải chưa qua xử lý và đổ dồn về phía cửa sông, khiến hàng trăm héc- ta ngao luôn bên bờ vực “chết vì bẩn”. Nhiều người vẫn còn nhớ, năm 2003, năm “đại tang ngao” ở Tiền Hải, ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện nhớ lại: “Năm đó, toàn huyện thiệt hại về kinh tế khoảng 60 tỷ đồng. Nhiều gia đình sạt nghiệp, nợ ngân hàng, bạn bè đến hàng tỷ đồng”.

Con ngao đang giúp hàng trăm hộ dân ở Tiền Hải đổi đời nhưng cũng chính con ngao sẽ cuốn đi hàng chục tỷ đồng của họ xuống biển cả nếu thời tiết không thuận hoặc nguồn nước ô nhiễm.

Lê Thanh