Nhân viên y tế hướng dẫn tập vật lý trị liệu, trị chứng đau lưng, chóng mặt, mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19.
Theo các bác sĩ, hội chứng hậu Covid-19 có thể xuất hiện ngay sau khi điều trị khỏi nhưng cũng có nhiều trường hợp sau 4 tuần kể từ lúc khỏi bệnh mới xuất hiện. Những rối loạn này có thể kéo dài trong 4 tuần, thậm chí đến vài tháng.
Bên cạnh những triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị… thì tình trạng giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ… đang khiến nhiều bệnh nhân dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn khó trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.
Theo các chuyên gia y tế, rất nhiều trường hợp gặp một, thậm chí nhiều triệu chứng về tâm lý sau khi khỏi bệnh như mất ngủ, rối loạn lo âu, giảm trí nhớ… Những triệu chứng này nếu không điều trị sớm, dứt điểm sẽ là nguyên nhân gián tiếp mắc phải các vấn đề về tim mạch, tiêu hóa, dạ dày... Thực chất, Covid-19 đã gây nên một sang chấn tâm lý cho một hệ thống xã hội rộng lớn, không chỉ những người đã mắc Covid-19, mà kể cả những người chưa mắc trong thời điểm hiện tại và kể cả sau đại dịch đều có những sang chấn tâm lý nhất định.
Vậy với người mắc Covid-19, họ sang chấn ở những điểm gì? Các chuyên gia nhận định: Bình thường, khi một người bị cảm cúm đột ngột, dù đau mỏi toàn thân, bệnh nặng nhưng họ cũng không quá lo lắng, bởi họ biết đấy là cảm cúm mà ai cũng mắc nhiều lần trong đời. Tuy nhiên với SARS-CoV-2, khi cả thế giới vẫn chưa nhận định được sự tàn phá của virus này sẽ đi đến đâu, các chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ cũng chưa có hiểu biết nhiều về virus này... Chính những điều mơ hồ đó gây tâm lý hoang mang, lo sợ, tạo sang chấn trong não bộ - đa phần người mắc Covid-19 bị sang chấn ở những điểm này.
Để không rơi vào sang chấn tâm lý hậu Covid-19, cũng như biết cách tự điều chỉnh bản thân khi có dấu hiệu trên, các chuyên gia tâm lý cho rằng, mỗi người phải khởi lên trong tâm mình một ý chí cầu sinh. Ý nghĩ được sống và phải sống như một mặc định trong mỗi chúng ta. Khi ý chí cầu sinh càng lớn thì hy vọng khỏi bệnh lại càng lớn và chính sự hy vọng đó sẽ giúp người bệnh có thêm quyết tâm khỏi bệnh và không rơi vào các rối loạn tâm lý.
Mỗi người cần có tư duy mạch lạc về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân với cuộc sống sẽ làm giảm thiểu nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu… Bên cạnh đó, cần dùng nghị lực để vận động cơ thể tối đa nhất khi mắc bệnh, bởi càng vận động, cơ thể càng sản sinh ra nhiều động năng cũng như kích hoạt kháng thể bản thân để đối chọi với nguy cơ xâm lược của Covid-19. Càng nằm, chúng ta sẽ càng mệt và càng chìm ý thức vào những lo lắng không định hình.
Đặc biệt, người bệnh cần có niềm tin và tuân thủ phác đồ điều trị của y tế. Thực tế cho thấy, có không ít người cố gắng tìm hiểu nhiều kênh thông tin khác nhau để tự tìm cho mình một phác đồ mà họ cho rằng hữu hiệu hơn. Việc này sẽ tạo ra nhiều sự hoang mang hơn với chính bản thân và phác đồ điều trị chuẩn của bác sĩ. Bạn hãy tin tưởng vào các bác sĩ.
Thành An