Trong các cuộc gặp mặt, với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều vấn đề sát sườn đã được nêu ra. Trong đó, các ý kiến xoay quanh những nội dung như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với cây trồng hàng năm sẽ hết hạn vào năm 2013 sẽ được xử lý thế nào để thế chấp vay vốn ngân hàng, quỹ bảo lãnh vay vốn, đánh giá tình hình tài chính để đủ điều kiện vay vốn… đã được UBND tỉnh từng bước tháo gỡ.
Vấn đề khó khăn về tiếp cận vốn, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần có sự chuyển động từ cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp. Với những chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện các quy định về lãi suất cũng như tái cơ cấu. Riêng các doanh nghiệp bằng mọi biện pháp cần tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm để tiếp cận với sức mua của người tiêu dùng. Đồng thời cần đánh giá nghiêm túc, chính xác tình hình tài chính, từ đó xác định nhu cầu vốn tín dụng, thực hiện tốt quyết toán tài chính và lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế và thực hiện công tác kiểm toán theo quy định. Sau các nội dung bàn bạc, rất nhiều văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã được ban hành trong thời gian qua nhằm chỉ đạo kịp thời các cơ quan ban ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ nhằm giải quyết hàng tồn kho. Sở NNPTNT khẩn trương hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để đủ điều kiện tiếp cận vốn vay. Sở Tư pháp và các ngành liên quan rà soát để kiến nghị điều chỉnh quy định của pháp luật về giao dịch, xử lý tài sản đảm bảo để tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu nhằm tăng thanh khoản và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Thời gian này, vấn đề cấp thiết lập một quỹ “Bảo lãnh tín dụng” được khá nhiều doanh nghiệp chờ đợi. Nếu tính trên toàn quốc, đã có gần 10 quỹ hoạt động. UBND tỉnh Lâm Đồng đã 3 lần họp bàn về việc hình thành quỹ này nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa thực sự nhập cuộc. Một tín hiệu vui được UBND tỉnh thông tin trong cuộc gặp mặt kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tổ chức mới đây là đã có 2 tập đoàn nước ngoài cam kết góp 2 triệu USD hình thành quỹ, đồng thời tỉnh trích ngân sách 500.000 USD để gây dựng quỹ ban đầu, thúc đẩy các ngân hàng thương mại cùng chung sức để hình thành quỹ, đảm bảo an toàn tín dụng và thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính trình Bộ Tài chính về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, một thế mạnh của tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng con đường ĐT 721 là Công ty CP xây dựng số 1 Lâm Đồng đã hoàn thành công trình từ năm 2011 nhưng vẫn còn dư nợ gần 50 tỷ đồng, UBND tỉnh đã lên danh mục, đề nghị ứng trước vốn trái phiếu chính phủ năm 2013 để giải ngân nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về tình hình lãi suất mới và các sản phẩm của ngân hàng thương mại, UBND tỉnh đã đề nghị các ngân hàng cùng phối hợp với các hiệp hội để phổ biến rộng rãi tình hình lãi suất đến cộng đồng doanh nghiệp.
Lâm Đồng cũng đã kiến nghị với Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại quy định điều kiện cho vay phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như điều kiện vùng miền, nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục cho vay, thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản… Đồng thời, trong khi chờ Quốc hội thông qua Luật Đất đai thì tỉnh cũng đề nghị Chính phủ đồng ý tiếp tục được sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang có để thuận lợi hơn khi giao dịch với ngân hàng.
Cuối năm 2012 và năm 2013, khủng hoảng nợ công trên thế giới dự kiến vẫn còn kéo dài và bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng vẫn là vấn đề cấp thiết. Với tinh thần “Cùng giải quyết khó khăn”, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức các cuộc gặp mặt theo từng thời điểm, tiếp tục có những chỉ đạo điều hành bằng các giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề nảy sinh, cùng doanh nghiệp vượt qua thời kỳ đình trệ sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đi vào ổn định và phát triển.
Bài và ảnh: Nguyễn Chí Long