Lạm phát dưới 7%
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát, tăng trưởng GDP của Quý I cao hơn cùng kỳ năm 2012, tạo nền tảng ban đầu thuận lợi cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013 cao hơn năm 2012.
Căn cứ chuỗi số liệu từ 2001 và áp dụng phương pháp định lượng, Uỷ ban này dự báo, với giả định xu hướng tăng trưởng không biến động lớn trong 3 quý cuối năm, tăng trưởng kinh tế cả năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,3%.
“Cùng với lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm ở mức rất thấp, bình quân lạm phát quý 1 bằng khoảng 40% cả năm, lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ dưới mức 7%,” báo cáo nhận định.
Phân tích cụ thể các nguyên nhân chính tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm 2013, Uỷ ban Giám sát cho rằng tổng cầu nền kinh tế hiện vẫn rất thấp nên áp lực lạm phát cầu kéo sẽ không lớn; yếu tố tiền tệ sẽ có những tác động nhất định với độ trễ nhưng không đáng lo ngại. Ngoài ra, yếu tố lạm phát nhập khẩu và lạm phát nhóm lương thực, năng lượng không tác động đáng kể khi giá cả quốc tế ít biến động và đặc biệt giá gạo vẫn trong xu hướng giảm.
Do đó, những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm. Ủy ban này dự báo, nếu giá xăng và giá điện đều tăng 20% thì lạm phát có thể tăng thêm 1,73%; nếu tỷ giá được điều chỉnh tăng 4% và sự điều chỉnh này được chuyển hết vào giá hàng nhập khẩu và giá năng lượng (điện và xăng dầu) thì lạm phát tăng thêm khoảng 2%, trong đó 1,6% tăng do tăng giá hàng nhập khẩu và 0,4% tăng do tăng giá điện và xăng.
“Xét về ngắn hạn thực thì chính sách ổn định tỷ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát, “tỷ giá nên điều chỉnh với một mức độ cho phép” để không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xuất khẩu về lâu dài và hạn chế đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài,” Ủy ban Giám sát nhấn mạnh.
Lãi suất vẫn có thể giảm tiếp
Dựa vào những phân tích nhận định trên, Ủy ban Giám sát cho biết, từ nay đến cuối năm vẫn còn “đất” để lãi suất huy động có thể giảm xuống 7%/năm, lãi suất cho vay xuống 10%/năm.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các doanh nghiệp.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng thời điểm này khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm, các lãi suất chủ chốt cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%/năm.
Tuy nhiên, vốn tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa có nhiều cải thiện so với cuối năm ngoái phản ánh khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Biểu hiện là tính đến ngày 21/3/2013, tín dụng chỉ tăng 0,03% trong khi huy động tăng 3,86% so với 31/12/2012.
Vấn đề nợ xấu một khi chưa được khắc phục cơ bản sẽ vẫn là một trong những trở ngại lớn cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Giám sát, kinh tế vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn như sức sản xuất của doanh nghiệp còn yếu, tổng cầu của nền kinh tế thấp gây trở ngại cho việc tiêu thụ hàng hóa là đầu ra của sản xuất; động lực quan trọng cho tăng trưởng trong quý 1/2013 là xuất khẩu, song trong năm 2013 giá hàng hóa thế giới lại được dự báo sẽ không tăng thậm chí giảm.
Căn cứ vào nhận định như trên, Ủy ban Giám sát kiến nghị, từ nay đến cuối năm 2013, các ngân hàng cần tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa công ty mua bán nợ (VAMC) đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản; thực thi chính sách tỷ giá linh hoạt, hài hòa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
Đối với chính sách tài khóa, Ủy ban này cũng kiến nghị cần cân nhắc khả năng giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% để khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khắc phục hiện tượng chuyển giá; xem xét giảm thuế VAT.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02 và có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một cách sâu rộng, nhất là việc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước./.
Theo Vietnam+
(TH)