Nhóm G-20 nhất trí tăng cường đóng góp cho quỹ cứu trợ các nền kinh tế mới thành lập của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) lên một ngàn tỷ USD và tiến hành cải tổ hai tổ chức này phù hợp những thay đổi của nền kinh tế thế giới. Nhóm G-20 cũng thống nhất ý kiến để IMF bán hàng tỷ USD vàng dự trữ giúp các nước nghèo và đề ra quy định mới về việc trả lương và tiền thưởng cho lãnh đạo các công ty. Đồng thời cam kết chi năm nghìn tỷ USD cho nền kinh tế thế giới với hy vọng tăng sản lượng thêm 4% vào cuối năm 2010 và thành lập gói cứu trợ kinh tế khổng lồ, trong đó tăng thêm hàng trăm tỷ USD cho các thể chế tài chính quốc tế.
Lãnh đạo các nền kinh tế đầu tầu còn vạch ra lộ trình cụ thể nhằm mang lại một diện mạo mới cho cấu trúc kinh tế toàn cầu. Hoàn tất vòng đàm phán Đô- ha về tự do thương mại trong khuôn khổ tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc khởi động lại vòng đàm phán Đô-ha vốn bị đình trệ trong thời gian dài, sẽ được thảo luận tại hội nghị nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8), diễn ra tháng 6 tới tại I- ta- li-a.
Rõ ràng, đứng trước khó khăn chung, các nhà lãnh đạo G-20 đã buộc phải lựa chọn sự hợp tác thống nhất để dung hòa hai nhóm giải pháp vốn gây bất đồng sâu sắc trước thềm hội nghị.
Cho dù kết quả hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Luân Đôn không phải là lời giải cho tất cả vấn đề cốt lõi hiện nay, nhưng chắc chắn đó là bước đi hết sức quan trong. Nó đã thống nhất các chính sách, kế hoạch của các nước trong nhóm vì lợi ích chung của thế giới nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự nhất trí của các nước thành viên G-20 sẽ tạo động lực thúc đẩy việc điều chỉnh kinh tế thế giới tránh được sự bùng phát của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại mới, từ đó có thể đối phó hiệu quả hơn với những thách thức mang tính toàn cầu trong thế kỷ 21.
Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao kết quả của hội nghị, tuy nhiên, kêu gọi nhóm G-20 biến lời cam kết thành hành động cụ thể, nhằm giúp các nước nghèo thoát khỏi khủng hoảng. Các chuyên gia kinh tế nhận định hội nghị G-20 tuy không đem lại giải pháp nhanh chóng cho kinh tế toàn cầu, nhưng có thể ngăn chặn thế giới rơi vào cuộc suy thoái lâu hơn và các thỏa thuận đạt được chỉ là bước khởi đầu trên chặng đường khôi phục kinh tế thế giới.
Một trật tự thế giới đang nổi lên sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 và các nền kinh tế đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự hợp tác quốc tế. Việc có thực hiện thành công các mục tiêu trước mắt và lâu dài hay không, liên quan rất lớn tới tương lai của thế giới cũng như hướng phát triển của lịch sử.

Tuấn Minh