Ba tôi đi hoạt động cách mạng và tham gia kháng chiến từ lúc nào, tôi chẳng hay. Chỉ nhớ loáng thoáng năm tôi gần bốn tuổi, vào một buổi trưa, má đi vắng, chỉ còn hai cha con, ông ôm tôi vào lòng âu yếm và nói: “Con gái yêu của ba thật ngoan hen. Bây giờ ba mắc võng cho cưng ngủ để ba đi mua cho đôi bông tai”. “A ha, hoan hô ha, hoan hô ba nhiều nhiều”. Nghe nói ba mua cho đôi bông, tôi mừng nhảy quýnh lên và nhảy chân sáo liên hồi mà không thấy mệt. Ba phải khuyên: “Thôi đi, con đừng nhảy nữa mà hụt hơi bây giờ. Nào, con lên võng ngủ đi để ba yêu”. Tôi ngoan ngoãn lên võng, vờ nhắm mắt nhưng làm sao ngủ được khi tâm trí đang ở nơi đôi bông tai! Chốc lát, ba dắt chiếc xe đạp ra ngõ, đứng lại chút xíu ngắm nghía cảnh vật. Tôi nhổm người lên nói với theo: “Ba đi lẹ lẹ lên mua đôi bông tai thật đẹp đưa về cho con, nghen ba! Con ngủ rồi nè”. Ba “ờ” một tiếng thật nhẹ và mất hút theo rặng cây bên đường.

Đến chiều tối, tôi ra đầu ngõ đón ba về để được bông tai mà chẳng thấy ba đâu. Tôi chạy sà vào lòng má phụng phịu hờn dỗi: “Ba hổng đưa đôi bông về, má phải thường cho con hư…. hư”. Tôi khóc rưng rức. Má đành vỗ về, mãi tôi mới chịu yên. Má an ủi: “Hôm rày ba chưa về thì nay mai ba về, nhưng con phải thật ngoan mới đặng. Con hổng ngoan là ba hổng về đâu, nghen”. “Thưa má, con ngoan rồi nè, má thấy hôn?”. Những ngày sau đó vẫn không thấy ba đâu. Nhiều đêm nằm bên má, trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ ba về đem theo đôi bông tai thật là xinh. Thoạt nhiên tôi cười rồi chạy sang nhà hàng xóm, tíu tít khoe với lũ bạn, thật thích thú. Vậy mà khi mở mắt ra thật bàng hoàng, chỉ thấy khoảng không trống vắng. Buồn ơi là buồn.

Thế rồi sau đó ít lâu, má đưa tôi lên thăm ba ở căn cứ đóng quân mãi bên Tân Uyên. Nơi ba ở còn có các bác và cô chú trong rừng chồi. Nhà là những căn chòi nhỏ che bằng tấm ni lon, trông ai cũng hiền khô, dễ mến. Nhờ mấy chú còn trẻ chỉ dẫn, má và tôi vào chỗ ba ở. Vừa nhìn thấy, tôi kêu lên một tiếng “ba” rồi sà vào lòng. Tôi hỏi dồn dập: “Sao ba đi lâu quá không về với con? Đôi bông tai của con, ba để đâu?”. Ba chỉ: “À, à, ba còn “nợ” con gái, ba nhớ mà, khi nào về ba sẽ “trả” cho con hen”. “Cho ba thiếu nhưng hổng được lâu đâu ha?”. Ba ôm tôi vào lòng, rồi hôn lên má. Cái cằm râu lởm chởm cà cà đau ơi là đau nhưng do yêu ba quá mà tôi cứ im re. Má tôi tủm tỉm cười, liếc nhìn ba tôi rồi nói: “Anh xem kìa, cặp má sữa của con bé đỏ ửng lên vì… râu của chú bộ đội. Bắt đền “chú” đi con”. Câu nói ấy làm ba phì cười.

Thế mà có ai ngờ, ngày 28-1-1960 (tức ngày 10-10- Canh Tý), đại đội 250 do ba chỉ huy cùng đại đội 380 và du kích xã, tất cả khoảng vài chục người, trang bị ít cây súng, chủ yếu là rựa dài và thủ pháo, lựu đạn, phục kích một tiểu đoàn ngụy trên 100 tên có trang bị mạnh. Mặc dù không cân sức, nhưng quân ta dũng cảm, xông thẳng vào chia cắt đội hình đối phương. Ngoài bắn súng, ném lựu đạn, thủ pháo, gài mìn đón lõng, còn đánh giáp là cà dùng rựa, mã tấu đánh giặc. Chúng bị giết rất nhiều, số sống sót hỗn loạn tháo chạy. Ta thu nhiều súng đạn bổ sung trang bị cho mình. Và… trong trận ấy, ta hy sinh ba người trong đó có ba tôi – ông Nguyễn Văn Hoa. Thi thể của ba được đồng đội đưa về, được chú Bảy (Nguyễn Văn Huệ), em ruột cùng đại đội 250 trực tiếp tắm rửa, khâm liệm và mai táng tại bờ suối Cả, có đánh dấu bằng bốn chai nước tương thủy tinh. Mãi tới năm 1979, hài cốt của ba được gia đình, đoàn thể đón về yên nghỉ bên ông nội và chú ruột thứ tám (Nguyễn Văn Báu) đều là liệt sĩ, tại vùng đất chiến khu Bình Đa xưa. Khu mộ này do Thành ủy, UBND và MTTQ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đứng ra xây dựng thể hiện tấm lòng tri ân đối gia đình có công với đất nước.

Ba hy sinh tôi vừa tròn bốn tuổi, ngơ ngác như con nai lạc đàn. Ít lâu sau, tôi được má đưa về ở với nội, và cuộc đời thơ ấu, côi cút của tôi theo năm tháng trưởng thành cho tới khi thoát ly đi tham gia hoạt động cách mạng; chỉ một tay bà nội chăm sóc như vun bón một mầm non. Có lần tôi vừa tắm xong đang sưởi nắng cho khô tóc, nội kêu vào dưới bóng râm. Hai bà cháu cùng ngồi trên chiếc chõng tre ọp ẹp. Nội chải đầu và bắt chấy cho tôi. Gần gũi nội, tôi hỏi: “Nội ơi, ông nội con làm sao mà phải chết, hả nội? Nội nói con nghe đi!”. Nội lặng lẽ hồi lâu rồi lên tiếng: “Chuyện dài lắm, con à. Mai rày khôn lớn, con sẽ hiểu tất cả. Con chỉ nhớ là ông nội và ba con còn đi xa chưa về là được rồi”. “Còn cái này nữa nội”. “Cái gì, cứ hỏi đi nội giải thích cho”. Tôi như hăng hái hơn, lăng xăng bên nội: “À, cái tên của con đó nội, sao không là Lan, Cúc, Hồng, Hương, Huệ… đẹp ơi là đẹp… mà lại là Đắng, hả nội?”. “Cha mi, khờ lắm con ạ! Nội đã nói rồi sao. Lớn lên đắng hay ngọt là con biết rành rẽ mọi điều. Nhưng…”. Nội chưa kịp lên tiếng tôi đã hỏi dồn: “Nhưng gì hả nội?”. “Nhưng con muốn biết tất cả, thì bây giờ con phải học cái chữ trước hết cho thông thạo. Nếu không học thì mắt sáng đó không đủ trí thông minh để phân biệt phải trái ở đời thì cũng như mù đó, con ạ”. Nội còn giảng giải nhiều nữa, mỗi lời của nội như tưới mát tâm hồn thơ ngây của tôi vậy. Nội nói quả không sai, theo thời gian lớn lên mọi điều cay đắng, tự hào, mất mát thương đau của nội tôi đều hiểu hết, càng thương nhớ nội quá chừng.

Ngày 2-5-1956, tên Hai Bản, một kẻ hèn nhát phản bội dắt bọn chó săn về bắt ông nội. Bắt chấp nguy hiểm, bà nội xông vào giằng co với lũ sói súng ống đầy mình, mặt bặm trợn đằng đằng sát khí để giữ cho được ông nội. Nhưng thân yếu, liễu gày làm sao cho đặng. Chúng đẩy luôn hai nội lên xe, đưa về tiểu khu Biên Hòa nhốt riêng để điều tra khai thác. Ngày hôm sau bà nội được thả về, còn ông nội vẫn bị nhốt và chịu cực hình tra tấn. Chúng không moi được gì về manh mối của cách mạng ở ông. Hơn một tuần sau, sáng ngày 10-10-1956, chúng đưa ông về rừng chồi An Hảo, xả súng thủ tiêu. Cùng chịu chung số phận đau thương với ông nội còn các cô: Tư Mễ, Sáu Lài, đang có bầu sắp tới ngày sinh nở.

Cái tên Đắng của tôi, tuy nó không mượt mà, bóng bẩy, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm đáng trân trọng, trở thành bài học thấm vào máu thịt theo suốt cuộc đời mình. Theo lời má và nội kể:

Khi ông nội bị kẻ thù giết hại, gia đình phải gian nan lắm chúng mới cho đem xác về chôn cất, ba biết rõ lắm nhưng cũng chỉ nuốt uất nghẹn tủi hờn. Lúc ấy tôi còn nằm trong bụng mẹ. Nhân lúc ba từ chiến khu về để nắm tình hình địch ở thị xã Biên Hòa, có ghé qua nhà chốc lát. Gặp nhau má hỏi: “Mai này sinh con, anh đặt tên là gì?”. Trầm lắng suy nghĩ rồi ba nói: “Nhà ta mang nặng thù sâu với lũ giặc, em hy sinh, cha bị giết và sẽ còn tiếp tục hy sinh bao người nữa mới đến ngày độc lập, thống nhất non sông! Nhà nghèo khó, em mang bầu sắp đến ngày sinh nở mà anh cứ đi biền biệt chẳng giúp gì cho em. Tất cả vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả. Tự hào và cay đắng đan chen. Thôi thì… em cứ đặt tên con là Đắng vậy, dù trai hay gái để nhớ một thời cay đắng, tủi hờn của ông bà, cha mẹ và rộng hơn là cả dòng họ và quê hương… em à”. Nghe giọng buồn buồn nhưng rắn rỏi của chồng, má chỉ biết vâng lời rồi gục đầu vào lòng ba mà thổn thức nức nở đến nghẹn ngào.

Khi tôi viết những dòng ký ức này về cha thì người đã đi xa về cõi vĩnh hằng trên 50 năm. Và nội – Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Vân cùng mang niềm hạnh phúc và thương đau của sự hy sinh to lớn, cống hiến chồng và ba người con cho Tổ quốc về báo với ông nội ở cõi tiên. Còn chú Bảy (Nguyễn Văn Huệ), em ruột của ba là Đại tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cũng đã về với ông, bà cách nay ít năm.

Riêng tôi, nhờ ơn Đảng, ơn cách mạng… giáo dục, rèn luyện trở thành một sĩ quan trong công an nhân dân. Giờ đây, tôi tuổi đã lớn, có gia đình riêng, các cháu đều ngoan khỏe, phấn đấu nối tiếp truyền thống quý báu của gia đình, để khỏi hổ thẹn với những thế hệ đi trước đã vun đắp tạo dựng.

Mỗi lần thắp nén nhang thơm cho tổ tiên, ông bà và ba mẹ kính yêu, tôi thường tâm nguyện với chính lòng mình như vậy.

Nguyễn Quốc Hoàn

(Phỏng theo lời kể của chị Nguyễn Thị Đắng)