Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng... dự Lễ kỷ niệm.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh chị em thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sỹ, các gia đình có công với nước những tình cảm và lòng biết ơn sâu nặng, lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hôm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2012). Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ và đồng chí, đồng bào đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, chủ nghĩa xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và phồn vinh của Tổ quốc.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với nước. Hệ thống pháp luật về công tác thương binh, liệt sỹ và người có công ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, các công trình ghi công liệt sỹ; xác định hài cốt liệt sỹ, thông báo phần mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sỹ đến thăm viếng và thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công….
Giai đoạn 2005 - 2011, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước đã dành trên 15 nghìn tỷ đồng, riêng năm 2011 là gần 25 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, chăm lo cho trên 8,8 triệu người có công, trong đó có trên 1,4 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công cũng ngày càng phát triển sâu rộng và đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, cá nhân đã tích cực vận động, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: Xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tổ thương binh tình nghĩa”, “Đi tìm đồng đội”, “Xã phường làm công tác chăm sóc người có công" và nhiều phong trào thiết thực khác, đã mang lại hiệu quả to lớn.
Đến nay, trên phạm vi cả nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ủng hộ gần 2.600 tỷ đồng vào quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cả nước đã có trên 400.000 căn nhà tình nghĩa được xây tặng các gia đình chính sách. Hàng ngàn vườn cây, ao cá, giếng nước tình nghĩa và trên 700.000 sổ tiết kiệm với hơn 500 tỷ đồng được trao tặng cho các gia đình chính sách. Những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao tinh thần yêu nước và đùm bọc lẫn nhau, tạo nên một nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa - xã hội; tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người và gia đình có công với nước, phấn đấu thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ về công tác thương binh liệt sỹ và người có công đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần, đến năm 2015, cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi liên quan. Đặc biệt quan tâm chăm lo công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và thân nhân; phấn đến hết năm 2013, hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công đang có khó khăn về nhà ở. Đồng thời tiến hành rà soát để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi ngày càng tốt hơn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tập trung giải quyết những trường hợp còn tồn đọng.
Cùng với đó là, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với các hình thức phong phú, thường xuyên, sâu rộng và hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người có công nỗ lực phấn đấu vươn lên” làm cho mỗi gia đình người có công “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”".
Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo, các nghĩa trang, công trình ghi công liệt sỹ và công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, tạo điều kiện cho các gia đình liệt sỹ đến thăm viếng.
Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng, đời đời nhớ ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sỹ và những người có công với nước. Biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, giúp đỡ người có công và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi đồng chí, đồng bào và chiến sỹ cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực, tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với nước.
A Hoàng