Đại tá, BS. CKII, Lê Thị Diệu Hồng thăm khám cho bệnh nhân.

Khoa Khám bệnh cán bcao cấp, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (viết gọn là Khoa) gồm 32 cán bộ, công nhân viên, nhưng có tới 27 người là nữ, hầu hết đều có gia đình riêng. Còn giờ làm việc thì đúng như Đại tá, BS, Chuyên khoa II, Lê Thị Diệu Hồng - Chủ nhiệm Khoa, thường nói với chúng tôi - vừa như giao nhiệm vụ, vừa như căn dặn, động viên: “Giờ nào còn bệnh nhân thì giờ đó còn là giờ làm việc”.

Có thể nói đó cũng là đặc điểm riêng của Khoa. Chả thế mà tất cả chúng tôi, từ người về Khoa có thâm niên hơn 20 năm (bằng với năm Khoa thành lập), đến những “lính trẻ” còn đang học nghề đều thuộc lòng câu nói của Trưởng khoa và làm theo một cách hết sức tự giác.

Đúng vậy, người bệnh đi khám, chữa bệnh là phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi người, chứ không phụ thuộc vào thời gian. Hơn nữa, đối tượng bệnh nhân của Khoa hầu hết là cán bộ tuổi cao, đa phần có bệnh nền; lại là Khoa của bệnh viện tuyến cuối, có nhiệm vụ vừa khám, vừa quản lý, theo dõi sức khoẻ bệnh nhân đến cuối đời, nên năm sau bệnh nhân của Khoa cao hơn năm trước, bệnh lý cũng nặng và phức tạp hơn. Ví dụ,năm 2022 có tới 91.791 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó vao điều trị nội trú 3.184 người, còn lại cấp thuốc điều trị ngoại trú theo đơn.

Nhiệm vụ hằng ngày của chúng tôi cũng khác với các khoa và không thể tính ra đầu việc được. Đương nhiên là mọi người phải chuyên sâu, giỏi về chuyên môn, nhưng ai cũng sẵn sàng làm cả những công việc như người nội trợ chăm nom người thân của mình, vì mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, không ai giống ai, kể cả không ít bệnh nhân sống đơn thân...

Hằng ngày, không mấy khi chúng tôi không gặp những trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt; vừa tuổi cao, vừa sức yếu, lại đến bệnh viện chỉ có một mình! Lúc đó chúng tôi đúng như người ruột thịt của bệnh nhân, vừa động viên, vừa ân cần thăm khám, giúp đỡ đưa đi khám, hỗ trợ xét nghiệm, có những trường hợp chuẩn bị cả phòng nghỉ, phòng ăn cho bệnh nhân sau khám.

Hơn 20 năm qua, kể từ ngày thành lập, Khoa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là một trong những khoa dẫn đầu trong thực hiện các phong trào thi đua của Bệnh viện; nổi bật là tinh thần phục vụ, toàn Khoa dành hết tâm huyết phục vụ người bệnh, thực hiện theo lời Bác Hồ dạy “Người thầy thuốc phải như mẹ hiền”.

Thành tích đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Khoa, mà điển hình làĐại tá, BS,Chuyên khoa II, Lê Thị Diệu Hồng - người mà chúng tôi luôn kính trọng như là chị cả của mình. Tôi về Khoa công tác đến nay được 16 năm, là 16 năm cũng như những đồng nghiệp khác, được chị ân cần chỉ bảo không chỉ chuyên môn nghiệp vụ mà còn là tu dưỡng y đức của người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ.

Xuất thân trong gia đình có bố là liệt sĩ, từ nhỏ chị đã ước mơ được chữa bệnh cứu người, dẫu biết rằng nghề y là một nghề đặc biệt, vừa đòi hỏi y đức cao, vừa phải không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ. Chị dành hết tâm lực của mình cho nhiệm vụ cứu người và coi Bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của mình. Vất vả có, chông gai có, nhưng chưa bao giờ trên gương mặt chị ngưng nở nụ cười. Bởi chị luôn ý thức được công việc cao quý của mình, để làm việc và cống hiến với một trái tim của người thầy thuốc.

Mỗi bệnh nhân đến với Khoa đều được chị thăm khám, chăm sóc tận tình. Bệnh nhân, nhất là cán bộ lão thành cách mạng, CCB cao tuổi được chị thăm khám hằng chục năm nay, trở nên thân quen, gần gũi như người thâm trong gia đình. Chị luôn căn dặn chúng tôi: “Khoa mình được chăm sóc sức khỏe, tri ân các thế hệ cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng, Anh hùng LLVTND, CCB… có nhiều đóng góp cho Quân đội và đất nước. Đó là trách nhiệm và cũng là niềm vinh dự tự hào cho mỗi cán bộ, nhân viên trong Khoa, nên phải luôn cố gắng, dành hết tâm huyết phục vụ người bệnh, để phần nào đền đáp công lao của họ đã hy sinh xương máu giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Khối lượng công việc nhiều, đôi khi không tránh khỏi căng thẳng, sơ suất trong phục vụ người bệnh, chị thường ân cần nhẹ nhàng khuyên bảo chúng tôi như người bạn, người thân trong gia đình và “mách” cho chúng tôi cách giải tỏa áp lực. Chị bảo: “Người ốm đau, tâm lý, tình cảm rất khác với người bình thường, nhất là những người tuổi cao, nên các em phải đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh thì mới cảm thông và chia sẻ được với người bệnh...”.

Thấu hiểu những áp lực trong công việc, chị luôn động viên, khuyến khích truyền cảm hứng tích cực, tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống, cách vượt qua khó khăn, vất vả cho chúng tôi; hằng năm tổ chức các chuyến dã ngoại cho nhân viên đến các địa danh của đất nước như Đền Hùng, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn..., kết hợp tham quan du lịch và tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Năm 2022, chị Lê Thị Diệu Hồng vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen trong Phong trào thi đua “Cán bộ nhân viên, chiến sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 thi đua thực hiện Văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Chúng tôi rất tin yêu và tự hào về chị - vừa là Trưởng khoa vừa là chị Cả của chúng tôi.

Bài và ảnh: Đỗ Thị Mai Hương