Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Những ngày Tháng Tám lịch sử này, mỗi chúng ta như còn được nghe âm vang hào khí mùa thu cách mạng cách đây 75 năm. 75 năm vẫn còn vẹn nguyên ký ức - vẹn nguyên bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao sau đó được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ôi! Chỉ hai dòng chữ: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, đó là niềm khát khao vô biên, là mục tiêu của cuộc cách mạng. Và sau này Bác Hồ trong những ngày đánh Mỹ ác liệt đã khẳng định lại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Độc lập cho đất nước, tự do cho con người..
Trong lịch sử cách mạng thế giới có hai cuộc cách mạng mang ý nghĩa thời đại. Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga với hình ảnh những đoàn quân công nông binh dưới sự lãnh đạo của vị lãnh tụ thiên tài Lênin tiến vào Cung điện Mùa Đông. Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên làm rung chuyển thế giới và cũng là tiền đề cho các dân tộc bị áp bức noi theo. Tiếp đó tiêu biểu nhất, sáng chói nhất và cũng hào khí nhất là Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam: Mở ra một bước ngoặt lớn lao đưa dân tộc Việt Nam sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Lịch sử cũng lại một lần nữa ghi dấu ấn với hình ảnh đoàn người cuộn sóng đổ về Quảng trường Nhà Hát lớn với những lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Đó là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà đứng đầu là Bác Hồ kính yêu.
Chúng ta làm sao quên được hình ảnh Bác Hồ trong cơn sốt vẫn gượng dậy dù thân thể còn yếu nhưng vầng tráng cao kiên nghị, ánh mắt sáng rực át cả bệnh tật và Người đã căn dặn thân tình như một mệnh lệnh chỉ thị của trái tim với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ôi tự do độc lập, đó là một khát vọng thiêng liêng lúc Người lên tàu từ bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước và cũng chính Người đã tiên đoán thiên tài: “45, sự nghiệp hoàn thành”. Khái quát ý nghĩa chiến thắng lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Sức mạnh nào chỉ với xấp xỉ
5.000 đảng viên đã lãnh đạo toàn dân ta khởi nghĩa thành công trong vòng thời gian chưa đầy một tháng từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn? Sức mạnh nào đã tập hợp được mọi lực lượng, mọi tầng lớp giai cấp, mọi lứa tuổi, không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo cùng đứng trong một đội hình, cùng đứng dưới một màu cờ đỏ sao vàng, tự nguyện, tự cường chung một đội ngũ rầm rập ca vang hành khúc: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”. Cứu quốc, cứu nước là một mệnh lệnh thôi thúc vì vận mệnh sống còn của Tổ quốc, Dân tộc. Có lẽ sức mạnh đó bắt nguồn từ truyền thống lịch sử mấy nghìn năm, từ cội nguồn “Con Lạc cháu Hồng”, từ những tiếng đồng bào, đồng tâm, đồng chí...
Mùa thu này, đi trên các ngả đường Thủ đô Hà Nội trong lòng ta vẫn còn nghe dư âm vang vọng hào khí của những ngày Cách mạng Tháng Tám cách đây 75 năm. Hà Nội, mùa thu là mùa đẹp nhất, mùa của hoài cổ, của gợi nhớ hào khí của 75 năm về trước vẫn vẹn nguyên một sắc thắm: “Mây của ta trời thắm của ta/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Tố Hữu). Tôi tin rằng trong mỗi ngôi nhà, góc phố của Thủ đô chẳng thể nào phai được khí thế hào hùng của những ngày ấy; cũng như sau này Thủ đô kháng chiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của năm 1946; và sau nữa, Thủ đô của một “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Hào khí những ngày Cách mạng Tháng Tám gợi nhớ cho ta chỉ sau 30 năm cả nước lại hành quân đánh trận cuối cùng bằng đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...
Cách mạng Tháng Tám - 1945 thắng lợi đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do, biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Ta càng mới hiểu vì sao sau Cách mạng Tháng Tám tuy nhà nước non trẻ, lực lượng quân đội còn ít ỏi nhưng với hào khí đó, dân tộc đã trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ. Và hiện nay với công cuộc đổi mới đưa nước ta phát triển sánh ngang với các nước tiên tiến trên thế giới với một đất nước hòa bình bền vững. Hào khí đó vẫn lan tỏa, thấm sâu như mạch nguồn dân tộc trong huyết quản mỗi người. Một đất nước thống nhất - thống nhất cả ý chí tự lập tự cường, từ đất liền ra hải đảo biển khơi lên biên cương Tổ quốc ở đâu cũng rạng rỡ cũng tươi sáng, cũng phấp phới màu cờ đỏ sao vàng quy tụ hồn nước non, hồn dân tộc...
Những ngày này ta lại càng bồi hồi nhớ Bác Hồ - vị Chủ tịch của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Và chính Người, ngày 2-9 tại Quảng trường Ba Đình đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 75 năm đất nước ta đã có bao bước chuyển trưởng thành vượt bậc. Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh của Bác vẫn còn in dấu mãi với lời tuyên bố hùng hồn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thông điệp nhân văn cao cả vẫn còn giá trị mãi mãi: Cách mạng Tháng Tám là cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc và chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ vững bền nền độc lập, bảo vệ Tổ quốc non sông bờ cõi vững chắc vừa xây dựng “Đất nước ta đàng hoàng hơn to đẹp hơn” như lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ kính yêu...
Hà Tĩnh, ngày 7-8-2020
Nguyễn Ngọc Phú (Tùy bút)