“Thời thế” - “Thời cơ” khi ấy là, phát xít Đức bị đánh gục và đã đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện - “Phe Trục” đã tả tơi! Ở Đông Dương, ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi - Pháp thất thế, Nhật không còn sức mạnh và sự tự tin cũ! Rõ ràng lúc này, kẻ thống trị đã không thể thống trị như cũ và người bị trị cũng đã không thể sống như cũ nữa!
Từ “Thời thế” - “Thời cơ” ấy, ngày 12-3-1945, Đảng ta ra Văn kiện lịch sử: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khẩu hiệu hành động là: “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Mục tiêu là: “Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân”. Phương pháp là: “Vũ trang Tổng khởi nghĩa”. Và, giữa tháng 4-1945, “Cứu quốc quân” và “Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” được hợp nhất thành “Việt Nam Giải phóng quân”. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh (ngày 15-8-1945), thì “Thời thế” - “Thời cơ” Tổng khởi nghĩa đã “chín” hoàn toàn!
*
Bây giờ nói về “Thời điểm” (ngày 19-8-1945). Ta hãy nhìn hẹp lại một chút! Ngay từ khi Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, Tướng De Gaulle (Đờ Gôn), đang kháng chiến chống phát xít tại Algeria, ngày 8-12-1943, đã tuyên bố: “Sẽ giải phóng Đông Dương”. Cuối năm 1944, De Gaulle cho thành lập “Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương” và ngày 24-3-1945, ông ta tuyên bố: “Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang, gồm 5 xứ khác nhau (Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ, Cao Miên, Ai Lao). Liên bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp xây dựng thành khối Liên hiệp Pháp mà quyền lợi đối ngoại sẽ do Pháp đại diện. Đông Dương sẽ có một Chính phủ Liên bang, đứng đầu là một viên Toàn quyền và gồm những Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước viên Toàn quyền đó. Chính phủ Liên bang sẽ là người trọng tài cho 5 xứ. Bên cạnh viên Toàn quyền, có một Hội đồng nhà nước, trong đó người Đông Dương (bản địa) chiếm nhiều nhất là 50% số ghế. Một Quốc hội được bầu ra phải phản ánh quyền lợi của nước Pháp”. Và, ngay sau khi được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, Pháp đã bắt tay ngay vào việc thực hiện kế hoạch thực dân ấy:
- Ngày 17-8-1945, tức là trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra ở Hà Nội có 2 ngày, “Lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông” (FEFEO) đã được thành lập và đưa sang Đông Dương. Tổng chỉ huy của toàn bộ đạo quân viễn chinh này là tướng Leclerc (Lơ-cờ-léc). Đô đốc hải quân D’Argenlieu (Đác-giăng-li-ơ) được cử làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh hải - lục - không quân Pháp ở Viễn Đông.
- Cùng ngày, Leclerc được Mountbatten (Mun-tơ-bat-ten), Tư lệnh Lục quân Anh ở Đông Nam Á, hứa giúp đỡ mọi mặt để Pháp trở lại Đông Dương, dù Mountbatten biết rằng, Hội nghị Postdam (Pốt-xđam), hội nghị của phe Đồng Minh sau khi chiến thắng phát xít, đã ngăn cấm việc này!
Thực hiện kế hoạch chiến lược ấy, đầu tiên là Pháp sẽ cho biệt kích nhảy dù xuống vùng đồi núi Tây/Tây Bắc Việt Nam, phối hợp với cánh tàn quân tại chỗ, chuẩn bị đón quân viễn chinh Pháp. Một đại đội biệt kích khác, nấp sau quân Anh, sang làm nhiệm vụ tiền trạm ở Đông Dương theo lệnh của tướng Leclecr, cũng cấp tốc lên đường.
Tuy vậy, “Kế hoạch 5 điểm” do Leclecr và Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra ấy, mãi đến ngày 24-8-1945 mới được Ủy ban Đông Dương, được cải tổ từ Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương trước đó, thông qua. Đó là:
1- Dựa vào sự có mặt của quân Anh để xâm chiếm Việt Nam từ phía Nam vĩ tuyến 16.
2- Thả dù nhân viên quân/dân sự xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam.
3- Xác nhận việc duy trì chủ quyền của nước Pháp ở Đông Dương, trước hết là đối với Đồng Minh.
4- Từng bước giành lại những vùng do Trung Quốc kiểm soát.
5- Về phương diện chính trị, tùy hoàn cảnh mà thương thuyết với các nhân vật bản xứ (theo “Lịch sử Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định kháng chiến” do NXB T.P Hồ Chí Minh xuất bản tháng 12-1994). Và, chỉ trước đó 2 ngày, ngày 22-8-1945, một máy bay của Không quân Hoàng gia Anh mới thả dù được một nhóm nhân viên quân sự và dân sự xuống Tây Ninh, khu vực giáp với Campuchia. Đại tá Cesdille (Xê-đin), người được Chính phủ Pháp cử làm Ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Nam Việt Nam, có mặt trong đám nhảy dù này.
Nhìn lại như vậy để thấy rằng, Bác và Đảng ta đã chọn “thời điểm” khởi nghĩa tài tình như thế nào! Đó là, khi mà nước Pháp với Leclecr và đạo quân viễn chinh của ông ta còn chưa kịp trở tay, thì ta đã giành xong chính quyền ở Hà Nội vào ngày 19-8-1945 và “xong việc” tại Sài Gòn vào ngày 23-8-1945, để chỉ 10 ngày sau đó, ngày 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, cùng với bản “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, nếu “đánh nhau” với Việt Nam là nước Pháp phải “đánh nhau” với một quốc gia có chủ quyền, chứ không chỉ còn là “Giải phóng Đông Dương” khỏi sự chiếm đóng của phát xít nữa! Cũng không còn là việc “dẹp loạn” ở thuộc địa như xưa nữa!
Hãy thử tưởng tượng, nếu ta phát động khởi nghĩa chậm, khi mà quân viễn chinh Pháp, nấp sau người Anh, đã tràn ngập Đông Dương, chưa kể tới việc quân Tưởng tràn ngập miền Bắc, thì sự thể sẽ ra sao? Vì chỉ sau đó gần 1 năm, tổng số quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã lên tới 90.000 người. Và, dù theo “Hiệp định Sơ bộ” do Bác Hồ ký với Pháp, Pháp chỉ được đưa 15.000 quân vào phía Bắc Việt Nam, tính từ Đà Nẵng trở ra, nhưng chúng đã đưa vào đó đến 30.000 quân, gấp đôi sự cho phép của Hiệp định! Riêng tại Hà Nội, quân chính quy Pháp đã có tới 6.500 người, cùng với khoảng 7.000 Pháp kiều được Pháp phân phát vũ khí (theo “Chiến đấu trong vòng vây” ở Hà Nội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
*
Cách mạng Tháng Tám, cùng với việc ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã đem đến cho toàn dân ta, nhất là các nhà thơ đương thời, những cảm xúc/cảm hứng vô cùng lớn lao, xúc động chưa từng có và họ dùng thơ của mình để truyền cảm xúc/cảm hứng dạt dào ấy vào lòng dân tộc.
Nhân ngày lịch sử, hãy cùng nhau điểm lại ít dòng thơ của họ!
Nhà thơ Xuân Thủy viết:
...Từ Hà Nội, đến Huế, Sài Gòn/ Từ bản muôn xa đến xã thôn/ Sóng cuộn biểu tình lên lớp lớp/ Đỏ rừng cờ nghĩa, trắng rừng gươm...
(Tổng khởi nghĩa)
...Chao ôi! Nước mất nhà tan/ Hôm nay lại thấy giang san bốn bề...
(Ngày Độc lập)
Nhà thơ Tố Hữu reo lên từ Huế:
...Chừ đây, Huế ơi, xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên, sông núi của ta ơi!
(Huế tháng Tám)
Và Xuân Diệu, “Thi sĩ của tình yêu” cũng đột khởi:
... Gió bay đi và nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt/ Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/... Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ Độc lập - Tự do như say men rượu...
(Ngọn quốc kỳ)
Để trên cái nền ấy, sau này nhà thơ Tố Hữu khắc họa hình ảnh Bác Hồ lộng lẫy mà giản dị - lão thực trong ngày 2-9-1945:
... Cờ đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ...
73 mùa thu đã qua, hôm nay ta vẫn thấy như sống trong không khí rạo rực của mùa thu Ba Đình năm ấy.
Đỗ Trung Lai