70 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã trở thành trung tâm văn hóa, chính trị và xã hội quan trọng của cả nước.
Những ngày này, Hà Nội rộn ràng trong không khí chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Khắp nơi, những hoạt động chuẩn bị diễn ra sôi nổi; cờ hoa rực rỡ, đường phố được trang hoàng lộng lẫy, tinh thần tự hào lan tỏa qua từng góc phố, con đường, nhắc nhở chúng ta về dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế - xã hội, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 đến nay, Hà Nội luôn phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật với nhiều con số ấn tượng…
Mốc son rực rỡ
Trong lịch sử hào hùng, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua hơn 10 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Trong đó, Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954 là một trong những mốc son rực rỡ. Không chỉ là mốc son đánh dấu sự thắng lợi của một dân tộc nhỏ bé trước một thế lực thực dân xâm lược hàng đầu thế giới, mà còn mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội.
Theo tài liệu ghi lại, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội, các đoàn quân từ Chiến khu Việt Bắc và các chiến trường đồng bằng Bắc bộ tiến về tiếp quản Thủ đô. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thàn phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã tiến vào Hà Nội.
Vào lúc 15 giờ cùng ngày, sau một hồi còi dài tại Nhà hát Lớn, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các LLVT đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày giải phóng…
Khẳng định vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước
Vượt qua những khó khăn, thách thức trong hành trình 70 năm, Hà Nội từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần, với cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại; đồng thời luôn giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế dương và cao hơn mức tăng GDP trung bình hàng năm của cả nước. Số liệu của Cục Thống kê T.P Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố giai đoạn 2011-2023 tăng bình quân 6,67%/năm; 6 tháng đầu năm 2024, GRDP ước tăng 6,0%.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của T.P Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha). Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là 1 trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua. Đến nay, Hà Nội đã thu hút được trên 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Các dự án giao thông quan trọng, có tính liên vùng cũng được Hà Nội quan tâm đầu tư. Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Thủ đô. Điển hình là các dự án: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô-bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Thực hiện chủ trương phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong 3 năm gần đây (2021-2023), đã có 79 doanh nghiệp với 112 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của T.P Hà Nội. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn 2011-2023 với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm. Năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.
Hạ tầng thương mại nội địa như: Trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… cũng được Hà Nội chú trọng phát triển. Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động… Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.
Ngành Du lịch cũng gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế). 8 tháng năm 2024, du lịch Thủ đô tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với lượng khách du lịch quốc tế đạt hơn 3,9 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023. Xây dựng Nông thôn mới (NTM) đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn NTM; 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 186 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Ngoài ra, Hà Nội cũng đồng thời tập trung phát triển cả kinh tế và văn hóa, xã hội, trong đó, đã có một chuyên đề về phát triển văn hóa. Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước. Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, ngày 28-6-2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đề án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị T.P Hà Nội trong tương lai…
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” tháng 10-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hà Nội là “trái tim” của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, được thế giới biết đến là Thủ đô anh hùng, ngàn năm văn hiến, hào hoa, thanh lịch.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, T.P Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao, sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển, phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh lan tỏa văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...
Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần. Có thể thấy, với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được T.P Hà Nội xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới. Qua đó, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp và xứng tầm là Thủ đô - trái tim của cả nước.
Võ Hóa