Kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8), phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trả lời phỏng vấn.

PV:Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, xin ông cho biết, vì sao chương trình kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam được tổ chức vào tối 10-8-2022, lấy tên “Hồi sinh từ “mảnh cầu vồng”?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hơn 60 năm trước, khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học đã thả xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam. Quân đội Mỹ rải thảm gọi những chất độc màu xanh lá, màu hồng, màu trắng, màu tím, màu lam, màu cam là "cầu vồng". Trong đó khoảng 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin - chất độc nhất mà con người từng biết đến. Quân đội Mỹ rải những “mảnh cầu vồng” chết chóc đó trên bầu trời nước ta suốt 11 năm (từ 1961-1972). Chất độc da cam/dioxin làm khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hiện tại, ngoài số nạn nhân là người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, cả nước còn khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và đã có nạn nhân thế hệ thứ 4. Nỗi đau này vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ và là minh chứng rõ nét nhất về hậu quả tàn khốc mà chiến tranh để lại. Các nạn nhân đã và đang tiếp tục sống trong đau đớn về thể chất và tinh thần.

Bằng tình yêu thương, lòng nhân ái và lương tri của xã hội, của cộng đồng và của bạn bè quốc tế, cuộc sống của những mảnh đất, những con người là nạn nhân của những “mảnh cầu vồng” ấy dần được hồi sinh. Và lớn hơn cả đó là mong muốn “hồi sinh” nhận thức của nhân loại về những thứ chất độc chết người và tội ác của chiến tranh… Vì vậy, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701) cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức chương trình mang tên “Hồi sinh từ “mảnh cầu vồng” với hy vọng cùng đồng bào, đồng chí cả nước dành tình cảm, quan tâm hưởng ứng và tham gia góp phần xây dựng Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam/dioxin” toàn quốc.

PV:Xin ông cho biết thêm về thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam trong thời gian qua?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam các cấp luôn chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Hằng năm, Nhà nước dành khoản ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Hiện nay, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đang phối hợp với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất độc da cam. Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam.

PV:Với vai trò Chủ tịch VAVA, ông đánh giá như thế nào về những việc đã làm được của VAVA góp phần xoa dịu nỗi đau da cam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: VAVA được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Các cấp Hội ở 63 tỉnh, thành nỗ lực tuyên truyền vận động nguồn lực, gắn phong trào hành động thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” với các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động Hội, nhân ngày kỷ niệm, lễ, Tết... Tính đến cuối năm 2021, Hội vận động được gần 2.930 tỷ đồng; riêng năm 2021, vận động được gần 400 tỷ đồng.

Số tiền đó được sử dụng hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa; trợ cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, Tết cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân. Đến nay, Hội có 26 Trung tâm nuôi dưỡng theo 2 mô hình (17 trung tâm nuôi dưỡng thuộc tỉnh, thành Hội quản lý và xây dựng 9 công trình nuôi dưỡng nạn nhân CĐDC trong Trung tâm bảo trợ xã hội, thuộc Sở LĐTBXH tỉnh, thành phố), nuôi dưỡng 980 cháu.

PV:Trong thời gian tới, xin ông cho biết về kế hoạch kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới việc đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Về cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, VAVA tích cực tham gia bằng nhiều hình thức, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trước hết nó đã góp phần thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam nhằm mục tiêu giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phù hợp với mong muốn cải thiện quan hệ hai nước. Cuộc đối thoại đó đạt được những kết quả cụ thể như: Năm 2018, hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và chuyển sang thực hiện chương trình tẩy độc ở sân bay Biên Hòa; tính đến tháng 12-2020, Quốc hội Mỹ phê duyệt chi hơn 94,4 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân CĐDC. Chính phủ Mỹ cơ bản hoàn thành chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh của Việt Nam bị phun rải nặng chất độc hóa học.

Thời gian tới, Hội đẩy mạnh tuyên truyền để bạn bè, nhân dân thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề và còn kéo dài mà chất độc hoá học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh gây ra đối với môi trường và con người Việt Nam để có thêm tiếng nói và hành động đòi chính quyền Mỹ phải tăng cường phối hợp với Chính phủ, nhân dân Việt Nam, với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khắc phục các hậu quả đó.

Hội tiếp tục ủng hộ các vụ kiện những người bị nhiễm chất độc hoá học do trước đây đã sinh sống, làm việc trong các vùng bị phun rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị vụ kiện của Hội khi có đủ điều kiện.

PV:Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Hồ Thanh Hương (thực hiện)