Chuyện xảy ra ở C34 J16 đặc công Mặt trận B3 năm 1972 tại Tà Thiết, Phước Long giữa người đại đội trưởng với một tổ trưởng trinh sát. Người tổ trưởng là Đặng Quang Ánh, quê xã Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.
Đang học cấp 3, Đặng Quang Ánh tham gia thanh niên xung phong, thuộc Đại đội 16 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại cầu Lường, Bố Hạ năm 1966. Năm 1968, ông viết đơn xin nhập ngũ vào Sư đoàn 330, Quân khu 3. Là thanh niên lanh lợi, thông minh thể hiện trong huấn luyện tiếp thu bài giảng, ông được chọn vào Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau đó tăng cường cho chiến trường miền Nam, thuộc C34, J16 đặc công B3. Là lính đặc công, ông phát huy tố chất sáng tạo trong huấn luyện và điều nghiên. Ông cho biết: từ năm 1971 đến tháng 4-1975, ông đã trinh sát nhiều mục tiêu, rồi giao cho bạn đánh thắng. Cũng đôi lần được trực tiếp đánh. Ông và đồng đội thường nói vui: “Mình là người dọn cỗ”. Trong trận đánh địch ở nhà thờ Phước Long, ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Kết thúc chiến tranh trở về quê tiếp tục cuộc sống gia đình.
Về C34, ông mang phiên hiệu P8, chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại úy C trưởng Lê Viễn Thông, J trưởng Trung tá Trần Nhành. Những lần chuẩn bị tổ chức cho những những trận đánh hay thắng lợi trở về, ông thường được có mặt đàm luận, phản biện sôi nổi, được chỉ huy đánh giá cao. Nhưng cũng có những va vấp suýt gây hậu quả khó lường. Và cái tát nhớ đời là một ví dụ. Ông Ánh kể:
Tháng 9-1972, ông làm tổ trưởng ba người vào điều nghiên căn cứ Tà Thiết, Phước Long, nơi tập kết loại xe quân vụ của địch. Ba anh em vào qua hàng rào thứ 3, thì gặp một con hào rộng chừng hai mét rưỡi, sâu 3 mét, đáy có lưới thép, có nước, mặt nước có bèo lục bình và ba con ngỗng. Khi có mật hiệu gọi ra, tổ của ông dùng những chiếc dọc khoai dán băng dính xanh đỏ bắt một con ngỗng cho vào gùi quay ra. Về tới đơn vị đang hí hửng với “chiến quả”, thì anh Thông chỉ vào cái gùi hỏi “Cái gì mà lùng nhùng thế?”. Tôi trả lời: “Con ngỗng”. Vừa dứt câu, thì anh cho một cái tát như trời dáng kèm theo câu “Đồ ngu”. Ù hết tai, nhưng tôi không có phản ứng gì bởi chợt nhận ra kỷ luật chiến trường mà mình đã được quát triệt.
Thấy con ngỗng còn sống, anh Thông cùng tôi và Vũ Xuân Bính lập tức trở lại, chui qua mấy lớp rào, thả con ngỗng về chỗ cũ ngay trong đêm. An toàn trên đường về C trưởng chỉ nói mỗi câu: “Thằng Ánh tối nay lên ngủ với anh”. Đêm ấy, anh không đếm xỉa gì tới cử chỉ bộc phát của mình mà chỉ tâm sự nhỏ to về đời tư và công việc. Một kiểu ứng xử rất tình, rất lính. Về phần mình, hành động cạn nghĩ của tôi cũng chỉ vì mấy thằng đang sốt rét mấy ngày không ăn được chút gì, nếu có được mấy miếng thịt ngỗng thì... Bài học anh Thông dạy cho tôi là kỷ luật chiến trường; nếu sau đó không sửa kịp thì biết đâu lập tức bom tọa độ, pháo bầy, ngay cả B52 sẽ trùm lên khu vực thì quả là nghiệt ngã.
Ba tháng sau, đơn vị có một đồng chí hy sinh; việc lấy xác còn nguy hiểm hơn lúc luồn vào căn cứ địch. Tôi không là đảng viên, nhưng đã xung phong làm nhiệm vụ. Tổ ba người chúng tôi tiếp cận, lấy bằng được thi thể liệt sĩ về. Chuẩn bị xong, J trưởng hạ mệnh lệnh rồi nói: “Chúc các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, J16 không bao giờ nói tới thất bại”. Anh Thông lặng lẽ bắt tay mọi người; đến tôi, anh nắm chặt tay và hỏi: “Thằng Ánh, mày có hận anh không?”. Tôi trả lời, không một chút đắn đo: “Không, chính anh đã dạy em một bài học”. Anh ôm chầm lấy tôi mà nức lên! Tôi thấp anh cao, nên nước mắt anh tràn qua trán tôi chảy xuống mặt. Tôi cũng khóc trong cái khóc của tình yêu đồng đội trước một nhiệm vụ vô cùng cao đẹp, lành ít dữ nhiều.
Ông Ánh nói trong thán phục và tự hào: Anh Thông là người chỉ huy giỏi, tôi hiểu anh trên cương vị người chỉ huy. Kỷ luật chiến trường mà!
Nguyễn Tiến Lộc