Mặc dù là kỳ họp cuối năm nhưng hoạt động lập pháp mới là những nội dung quan trọng, được thảo luận nhiều nhất chiếm hơn 60% thời gian của kỳ họp với các dự án luật quan trọng như Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp… Trong đó Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Còn Bộ luật Hình sự và Luật về hội được Quốc hội quyết định dành thêm thời gian nghiên cứu và hoàn thiện để thông qua vào kỳ họp lần sau.
Ngoài ra, Quốc hội cũng thảo luận và cho ý kiến về 12 dự án luật bao gồm Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Qua các phiên thảo luận, nhiều ý kiến thiết thực đã đóng góp, giải quyết những khúc mắc, những điểm chưa hợp lý làm hoàn thiện thêm về nội dung cho các dự luật này.
Mặc dù chỉ diễn ra trong hơn 2 ngày làm việc nhưng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của 4 vị Bộ trưởng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thực sự gây được ấn tượng mạnh đối với các đại biểu, cử tri cũng như nhân dân cả nước. Các phiên chất vấn tại kỳ họp lần này có nhiều đổi mới khi các đại biểu Quốc hội có quyền giơ biển tranh luận để nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng cho các thành viên Chính phủ làm rõ thêm các vấn đề mà mình và cử tri quan tâm. Sau hơn 2 ngày thực hiện hoạt động chất vấn có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó hơn 20 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận đi thẳng vào các vấn đề “nóng” được dư luận và cử tri quan tâm.
Đánh giá về các phiên chất vấn, nhiều cử tri trong cả nước cho rằng cả Chính phủ và Quốc hội đã thể hiện được sự thẳng thắn, cầu thị, không vòng vo mà đi thẳng và đi tới tận cùng các vấn đề quan trọng, các vấn đề “nóng” trong từng nội dung chất vấn. Các đại biểu Quốc hội thể hiện được trách nhiệm của mình qua từng câu hỏi, không có sự nể nang hay rụt rè. Còn các vị tư lệnh ngành cũng trả lời rất thẳng thắn, đáp ứng được những thắc mắc và bức xúc của đại biểu cũng như cử tri cả nước. Đặc biệt phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các nội dung quan trọng như việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc kiểm soát quyền lực, xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển, vì dân, do dân đã gây được ấn tượng mạnh với Quốc hội. Các đại biểu cũng bày tỏ sự tin tưởng và đồng thuận cao với việc Thủ tướng sẽ cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng không có kỷ cương, nạn tiêu cực, tham nhũng, đồng thời mong muốn thời gian tới, Chính phủ có biện pháp cứng rắn hơn nữa, xử lý nghiêm minh để củng cố niềm tin của nhân dân và cử tri cả nước.
Hoàng Linh