Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội xem xét và thảo luận nhiều nội dung quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, trong đó đặc biệt phải kể đến các phiên chất vấn tại hội trường.

Tiếp tục phòng chống Covid-19

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần tiếp tục chiến đấu với dịch cho đến hết năm 2021. Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã và đang làm tốt công tác phòng, chống dịch, đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh cả trái phép và hợp pháp, đón khoảng 200.000 người gồm các chuyên gia, người lao động, người Việt Nam ở các nước, vùng lãnh thổ. Tất cả các cơ sở y tế, trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng... đều thực hiện đầy đủ quy định hướng dẫn, đảm bảo an toàn.

Đề cập đến vấn đề vắcxin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Ở trong nước nhanh nhất cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới sản xuất được vắc xin. Việc mua vắcxin trên thế giới tương đối khó khăn vì nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất. Chính phủ các nước muốn mua vắcxin phải đặt cọc, trả tiền trước, rủi ro rất cao. Vì vậy, đối với Việt Nam, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan; tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động phòng, chống dịch.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, đặt câu hỏi chất vấn. 

Trả lại 16,5 triệu USD kinh phí xây dựng sách giáo khoa

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về vấn đề đầu tư kinh phí đổi mới sách giáo khoa. Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chính phủ phê duyệt kinh phí tổng thể cho dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa là 80 triệu USD, trong đó có 77 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA và 3 triệu USD vốn đối ứng. Tuy vậy, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ là không sử dụng hết khoản tiền này và trả lại 16,5 triệu USD kinh phí xây dựng bộ sách giáo khoa. Tính đến nay, số kinh phí đã sử dụng khoảng 12 triệu USD, tương đương hơn 200 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Bộ GDĐT vẫn đang tiếp tục xã hội hóa, tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách cho biên soạn sách giáo khoa đồng thời rà soát, cắt giảm tất cả những chi phí không thiết thực

Trả lời về giải pháp giảm tải cho giáo viên, Bộ trưởng khẳng định: Bộ rất ý thức vấn đề này và rất quan tâm đến giảm tải cho đội ngũ giáo viên bằng các quy định và chỉ đạo thiết thực như giảm số hồ sơ sổ sách; đổi mới phương thức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng thiết thực, đơn giản hơn; rà soát để tinh giảm chương trình hiện nay theo hướng gọn nhẹ hơn và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sổ sách, xây dựng bài giảng điện tử, tập huấn trực tiếp để giảm thời gian cho các thầy, cô. Ngoài ra, Bộ cũng đang tính toán xây dựng định mức lao động cho các thầy, cô phù hợp.

Trong năm 2020 sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí

Trả lời đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về kết quả quy hoạch phát triển quản lý báo chí 2025, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Ban Tuyên giáo, các cơ quan báo chí. Tính đến tháng 6-2020, Bộ đã có báo cáo sơ kết 1 năm, trong đó đã tiến hành quy hoạch báo chí đối với 33 tổ chức hội ở T.Ư. Tại các Bộ, ngành có 13/29 Bộ, ngành phải triển khai quy hoạch, hiện còn 2 cơ quan báo chí phải quy hoạch đang chờ cấp phép. Theo lộ trình, đến hết năm 2020 sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí ở T.Ư và địa phương.

Chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của lực lượng công an

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) về tình trạng tiêu cực của lực lượng công an ở cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng vấn đề tiêu cực của một số công an cơ sở chỉ là trường hợp cá biệt. Bộ Công an kiên quyết xử lý các sai phạm, tiêu cực; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ; không bao che, bất kể trường hợp nào. Hiện nay, Bộ Công an tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn lực lượng Công an nhân dân với quan điểm “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Bên cạnh đó, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ theo từng đơn vị được phân công phụ trách. Nếu cán bộ có vi phạm, sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. Bộ trưởng cũng đề nghị nếu nhân dân phát hiện trường hợp Công an có những tiêu cực, vi phạm cần thông báo ngay với Bộ Công an và Công an các cấp. Bộ sẵn sàng tiếp nhận thông tin để xác minh, đánh giá, xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi với nhân dân.

Hoàng Linh