Tuy mức tăng trưởng này là khá thấp so với nhiều năm trở lại đây nhưng giữa bối cảnh khủng hoảng thế giới vừa qua thì đó vẫn là một kết quả đáng khích lệ. Có thể khẳng định các biện pháp kích thích kinh tế đã được Chính phủ quyết liệt thực thi từ đầu năm đến nay cộng với sức mạnh của cả cộng đồng cùng chung tay đưa đất nước vượt qua cơn bão suy giảm kinh tế toàn cầu.

Vào quý I-2009, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã từ mức 6,8% đạt được của năm 2008 rơi xuống chỉ còn 3,1%. Không một nhận định nào cho rằng đấy đã là đáy của suy giảm. Các dự báo đều ước tính, năm 2009, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng rất thấp, thâm hụt ngân sách cao. Ngay cả kịch bản kinh tế lạc quan nhất do Viên nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chỉ dám dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 5,56, trong khi mức thâm hụt ngân sách lên tới 9,4% GDP

Với mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững , giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... Chính phủ đã triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích kinh tế, trị giá lên tới 10% GDP. Tình hình phát triển kinh tế đã chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2009. Từ quý II, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại một cách ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước, 9 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2008 và dự kiến cả năm tăng khoảng 7,2%. Giá trị tăng thêm của ngành xây dựng từ âm 0,4% năm 2008 tăng lên 11,3% năm 2009. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tăng khoảng 6,5%. Vượt qua thiên tai, dịch bệnh, nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất 9 tháng tăng 2,6%, dự kiến cả năm tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý sau tăng cao hơn quý trước: quý I: 3,14%, quý II: 4,46%, quý III: 5,76%, 9 tháng đầu năm tăng 4,56% dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Với những nỗ lực của mình Việt Nam là một trong những nước sớm nhất vượt qua đáy suy giảm, duy trì được tăng trưởng dương trong suốt năm với tốc độ hợp lý. Hiện, Việt Nam là nước đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực ASEAN. Theo công bố tháng 10-2009): năm 2009 của IMF In-đô-nê-xi-a 4,0%; Ma-lai-xi-a -3,6%; Phi-líppin 1,0%; Thái Lan - 3,5%, Việt Nam 4,6%.) đồng thời cũng nhằm trong nhóm trên 10 nước có tăng trưởng dương trong năm 2009.

**Những bài học của chống suy giảm kinh tế **

Từ những thành quả của nền kinh tế năm 2009, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra những bài học kinh nghiệm lớn cho các năm sau.

Bài học trước hết là chủ động trong công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới tác động đến sự phát triển của nền kinh tế; kịp thời đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp, sớm đi vào cuộc sống và bảo đảm phát huy tác dụng.

Bài học tiếp theo là bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về thu chi ngân sách, tiền tệ, tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế, kiềm chế lạm phát. Đây là điều kiện cơ bản để thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

Gắn các giải pháp chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế với việc bảo đảm an sinh xã hội cũng là một bài học được nhấn mạnh.

Bài học cuối cùng không thể thiếu, đó là bài học về truyền thông và sức mạnh cộng đồng. Việc phổ biến, quán triệt và hướng dẫn thực hiện chính sách đã làm cho dân biết, dân chia sẻ khó khăn và chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua sóng gió, thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch phát triển.

MAI ANH