Ngày 6/4, Hội nghị sơ kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân được tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng. Dự Hội nghị có 350 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu.
Hơn 7 năm qua, các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, vị trí và vai trò ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 6% năm 2002 lên 11% năm 2008. Từ khi thực hiện Nghị quyết đến nay, có thêm gần 350.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, mỗi năm giải quyết khoảng 800.000 lao động, chiếm 50% số lao động tăng thêm của cả nước. Trong 3 năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,5 lần về số lượng và gấp 5 lần số vốn đăng ký so với giai đoạn 2000-2005.
Năng lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế được tăng lên đáng kể. Tổng vốn đăng ký giai đoạn 2000-2008 là 2.110 nghìn tỷ đồng, lớn hơn số vốn đầu tư nước ngoài FDI cùng kỳ. Cơ cấu về ngành nghề, sản phẩm và quy mô vốn đầu tư của kinh tế tư nhân có nhiều thay đổi, đã xuất hiện nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội ngày càng cao như: Bệnh viện, trường học, các hãng phim, đội bóng… của doanh nghiệp tư nhân. Một số ngành nghề trước đây chỉ do kinh tế nhà nước đảm nhận thì nay có cả kinh tế tư nhân cùng vào cuộc như: công nghiệp cơ khí, ôtô, đóng tàu, sản xuất thép…
Trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất nước ta, số lượng doanh nghiệp của tư nhân chiếm 30% năm 2009. Một số doanh nghiệp tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, đầu tư ra nước ngoài với sản phẩm hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú và có uy tín, thương hiệu mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và những định hướng phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Phó Thủ tướng chỉ rõ, nếu mỗi năm các doanh nghiệp tư nhân giúp giải quyết khoảng 1 triệu lao động thì đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, số lao động làm nông nghiệp giảm đi, tính chuyên môn hóa và trình độ sản xuất được nâng lên. Từ đó, góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đúng như những chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định: Những quan điểm đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân ở nước ta. Sau hơn 7 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp, các ngành, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, có vai trò và vị trí ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đồng chí Trương Tấn Sang cũng yêu cầu, cần rà soát cơ chế chính sách, tạo điều kiện hơn nữa cho KTTN phát triển. Ưu tiên nhiều hơn cho các doanh nghiệp ở miền núi. Sớm bổ sung sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
Sớm có chương trình quốc gia về hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chương trình quốc gia về đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, trong đó chú trọng thoả đáng đối với doanh nghiệp tư nhân.
Đặc biệt, đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý, cần bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Chí Đức